Chống tin giả: trách nhiệm của tất cả các bên

'Hai học sinh nữ hiếp dâm một thanh niên', 'cụ bà hơn 100 tuổi vừa sinh con'…, những tin giả như thế xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, các trang tin và thậm chí cả báo chí chính thống, gây những hậu quả không thể đo đếm hết được với xã hội. Chống tin giả, vì thế, là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, từ cơ quan hành pháp, báo chí, đến từng người đọc.

Các chuyên gia luật, tâm lý và nhà báo, cùng bạn đọc của Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã cùng đưa ra những góc nhìn về cuộc chiến chống tin giả tại tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Hậu quả không thể đo đếm

Nhà báo Lê Thanh Phong, báo Lao Động, nói rằng hiện nay nhiều nhà báo mất bình tĩnh, vì cơn lốc của thông tin và chịu sức ép cạnh tranh khiến họ lao theo số người tin vào tin giả. “Bởi lẽ, như thống kê của Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh thì tỷ lệ người tin tưởng vào tin giả lên tới 70-80%. Đó là chưa kể, nhiều người đọc hiện nay quan tâm đến vòng hai của một cô diễn viên hơn những bài báo tâm huyết”, ông Phong nói.

Trong thời gian qua, hàng loạt tờ báo đã đăng bài rồi gỡ bài vì đụng phải tin giả. Chẳng hạn như mới đây, một số tờ báo đưa tin nghệ sĩ Lê Minh Châu được tôn vinh tại Đại lộ danh vọng. Hai ngày sau họ phải tháo tin xuống vì đây chỉ là thông tin vui mà anh này đưa lên trang Facebook cá nhân.

Trước đó thì các báo đưa tin một cụ bà 101 tuổi ở Ý sinh người con thứ 17, dẫn theo trang tin nước ngoài, đến nỗi bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu phải lên Facebook năn nỉ các báo đừng đưa những chuyện vô lý, phản khoa học như vậy. Cũng rất nhiều báo đăng những tin giả từ các tổ chức, cơ quan quản lý. Ví dụ như thông tin cà phê trộn lõi pin từ một đoàn kiểm tra, chuỗi Con Cưng bán hàng giả xuất xứ, nước mắm nhiễm arsen... Tất cả những thông tin này lan trên hầu hết các báo, đã ảnh hưởng rất lớn đến những người kinh doanh.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Học viện cán bộ TPHCM, cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có một nghiên cứu cụ thể về tác động của tin giả. Nhưng chắc chắn, hậu quả với những người liên quan trực tiếp, với xã hội không hề nhỏ. Những nạn nhân bị bôi xấu trên mạng xã hội bởi những tin giả bị chấn động tâm lý, thậm chí có người tìm đến cái chết. Doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỉ đồng...

Ghê gớm hơn, tin giả còn gây hoang mang trong xã hội, con người mất lòng tin, định hình suy nghĩ và thái độ lệch lạc của con người, gây kích động thù hằn, kích động bạo lực, dâm ô, thù nghịch, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục hay gây bất ổn chính trị, phân chia tôn giáo, sắc tộc.

Trách nhiệm của tất cả các bên

Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, tin tức giả có thể được thích (like), chia sẻ (share) vô tội vạ, không kiểm chứng như vậy thì chống tin giả là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan. Theo bà Trang, cần đề cao vai trò của luật pháp, giáo dục và truyền thông trong cuộc chiến chống tin giả. Về luật pháp, mỗi quốc gia cần có những điều luật nghiêm khắc để xử lý vấn nạn tin giả. Về giáo dục, cần có những chương trình để giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân hóa, tiếp cận với thông tin. Và cuối cùng là sử dụng truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đặc biệt, mỗi người đọc cũng cần trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh. Có thể dựa vào công thức I’M VAIN mà các chuyên gia của Đại học Stony Brook (Mỹ) đề xuất để thẩm định thông tin. Đó là nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin không (Independent); nguồn tin có đa chiều không (Multiple); thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa (Verify); nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không (Authoritative); thông tin ấy có được bằng cách nào (Informed) và nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh (Named).

Nhà báo Lê Thanh Phong nhấn mạnh các nhà báo cần làm đúng trách nhiệm của người cầm bút: đưa tin đúng sự thật. Tương tự, độc giả cũng phải có trách nhiệm bằng cách không like, share thông tin khi chưa kiểm chứng. Còn với doanh nghiệp, phải có sự tự tin vào bản thân mình và hệ thống pháp luật. “Nếu chấp nhận để một ai đó đến dọa dẫm bằng một bài báo, một thông tin nghĩa là đã thỏa hiệp, dung dưỡng cho những người đưa tin giả. Doanh nghiệp cần phải đấu tranh để những người làm báo không lành mạnh không có đất sống”, ông Phong bày tỏ.

Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga nhìn nhận doanh nghiệp hiện nay ngại kiện tụng vì nhiều lý do. Các công cụ pháp lý hiện đã có đầy đủ, doanh nghiệp được bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp khi bị xâm hại, được bồi thường hoặc xin lỗi công khai, vì vậy, nếu doanh nghiệp nhận thấy cần đến pháp luật, mạnh dạn theo đuổi một vụ việc thì pháp luật đáp ứng được.

Bên cạnh đó, theo bà Nga, doanh nghiệp cần chủ động thông báo về những thông tin cho là giả mạo về mình đến cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh, thành để từ đây cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cần thiết với phía đăng tải thông tin sai sự thật.

Theo TS. Đinh Thị Thanh Nga, Việt Nam đã có những quy định xử phạt với cá nhân, tổ chức đưa tin sai. Cụ thể, Luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi như:

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Cơ quan báo chí đưa tin sai bị xử phạt (quy định tại Nghị định 174/2013): phạt tiền từ 5 đến 100 triệu đồng, tước giấy phép từ một đến ba tháng; bồi thường thiệt hại dân sự.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290571/chong-tin-gia-trach-nhiem-cua-tat-ca-cac-ben-.html