'Chống trộm' bằng dây điện dẫn đến chết người, ra tòa vẫn không nhận mình sai
Do thường xuyên bị mất trộm đồ nên Nguyễn Văn Hoàn đã mua dây thép về giăng trên cổng và giàn mướp để chống trộm. Trộm chả thấy đâu, chỉ biết rằng có người hàng xóm không may bị điện giật chết. Vậy nhưng, ngày ra tòa, bị cáo vẫn không nhận mình sai mà đổ vấy cho bị hại là 'ngựa quen đường cũ'
Mất 30 cây vàng không “thèm” trình báo chính quyền
Ngày 9/3, phòng xử tại TAND TP. Hà Nội chật cứng người đến dự phiên xét xử vụ án Giết người, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2, Điều 123 BLHS năm 2015. Bị cáo trong vụ này là một người đàn ông ngoài 60 tuổi tên là Nguyễn Văn Hoàn, quê ở huyện Ý Yên, TP.Nam Định, hiện đang cư trú tại thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Quá trình ngồi dự khán, ngoài việc nghe những câu chất vấn khá gay gắt từ phía HĐXX và VKS trước một bị cáo ngoan cố, một mực không thừa nhận hành vi giăng dây điện dẫn đến chết người của mình là sai, mà chúng tôi còn nghe thấy những tiếng xì xào, đay nghiến từ phía gia đình người bị hại: “Quân gian ác, phải cho đi tù chung thân…”.
Họ bức xúc như vậy âu cũng phải, bởi từ ngày xảy ra vụ án cho đến tận ngày ra tòa, phía bị cáo không hề có động thái muốn bồi thường, khắc phục một phần hậu quả do bị cáo gây ra.
Mỗi khi HĐXX hỏi về việc bồi thường, bị cáo Hoàn giãy nảy: “Bố mẹ bị cáo mất hết rồi, anh chị em đều già yếu, vợ con thì bỏ đi, bị cáo còn mỗi cái xác, không có tiền để bồi thường”.
Trước thái độ không biết hối cải, vị chủ tọa hỏi câu hỏi khác: “Bị cáo có nhận thức được hành vi giăng dây điện của mình là nguy hiểm hay không?”. Tiếp tục là thái độ quanh co, không thành khẩn: “Bị cáo học hết lớp 6, không nhận thức được…”.
Bị cáo mới trả lời tới đây, một thành viên trong HĐXX chặn lại: “Vấn đề không phải bị cáo học lớp mấy mà một người bình thường đương nhiên phải hiểu được việc giăng dây điện là nguy hiểm như thế nào cho những người xung quanh nơi mình ở”.
Bị cáo quanh co tới mức bịa ra chuyện giăng dây điện vì trước đó từng mất tới tận 30 cây vàng, nhưng lại không hề báo chính quyền chỉ vì sợ vợ con xót của rồi chì chiết bị cáo…?!
Nghe bị cáo nói tới đây, người nhà bị hại càng xôn xao, bất bình nói: “Thường ngày bị cáo đi làm phụ hồ cùng với bị hại, không hề có mâu thuẫn. Bị cáo lo được miếng ăn từng ngày là tốt huống chi nói có tới 30 cây vàng…”.
Giăng dây điện chống trộm, lĩnh án 10 năm tù
Qua quá trình mở tòa cũng như căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của tòa cấp sơ thẩm xét thấy nội dung vụ án đã rõ. Cụ thể là do mâu thuẫn với vợ nên khoảng tháng 3/2017, Hoàn thuê nhà ra ở riêng. Trong quá trình sinh sống, Hoàn thường xuyên bị mất trộm đồ nên đến tháng 7, bị cáo nảy sinh ý định mua dây thép về giăng trên cổng, trên giàn mướp và đấu nối trực tiếp với đường điện sinh hoạt trong nhà để chống trộm.
Thời gian Hoàn thường cắm điện là lúc bắt đầu đi ngủ buổi tối (khoảng 21h) và buổi sáng trước khi ra khỏi nhà (khoảng 6h).
Sáng ngày 18/08/2017, trước khi đi làm, Hoàn lại cắm điện chống trộm như mọi hôm. Không may, đến khoảng 11h cùng ngày, bà Trần Thị T. (SN 1966, là hàng xóm với Hoàn) vướng vào dây thép giăng trên giàn mướp làm bà T. tử vong tại chỗ.
Nhớ lại cái chết thương tâm của người thân, dưới phòng xử khẽ vang lên những tiếng sụt sùi. Xen lẫn là những lời trách giận, ai oán khi mà bà T. mất đi để lại gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cùng bao dự định dang dở cho chồng con.
Nhìn cảnh người đàn ông ngang tuổi mình, bệnh tật, lại phải chịu cảnh gà trống nuôi con (tức chồng của bà T.), Hoàn vẫn chẳng hề ăn năn mà còn quay sang đổ vấy cho bị hại là “ngựa quen đường cũ”, chính bà T. lấy đồ của gia đình mình. Tuy nhiên, trước những lời nói vô căn cứ, vị chủ tọa nghiêm sắc mặt nhắc nhở thái độ của bị cáo.
Xét thấy, vụ án tới đây đã được làm rõ, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận và tiến hành nghị án. Trước khi nghị án, theo quy định của pháp luật, bị cáo được nói lời sau cùng. Nhiều người dự khán vẫn mong đến phút cuối, bị cáo sẽ ân hận, nhận thức được hành vi của mình là sai trái khi gián tiếp gây ra cái chết cho người hàng xóm mà quay xuống xin lỗi gia đình bị hại. Thế nhưng, trong phần này, bị cáo lại quay sang “đòi” HĐXX cho bị cáo được đi giám định những thương tích để đòi quyền lợi cho mình với lý do: “Trước đó, bị cáo cũng bị gia đình bị hại đánh cho xa xẩm mặt mày”. Tuy nhiên, vị chủ tọa giải thích vấn đề này bị cáo có thể khởi kiện ở một phiên tòa khác.
Trong ít phút chờ tòa nghị án, người nhà bị hại ngồi túm tụm ngoài hiên không ngừng bàn tán, bức xúc trước sự vô cảm của một người đàn ông từng là hàng xóm, láng giềng với gia đình mình.
Lại nói về phía gia đình bị hại, xét về hoàn cảnh cũng vô cùng éo le, gia cảnh nhà bà T. trước giờ vốn khó khăn, bà T. là trụ cột chính trong gia đình bởi chồng bà bị câm điếc, lại thường xuyên đau ốm. Hai con còn dại khờ, một cháu vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, ngoài phụ hồ, bà T. còn tất bật ngược xuôi, lo miếng ăn từng bữa.
“Chính hôm xảy ra vụ án, do có con gà nhà bà T. bay sang nhà bị cáo Hoàn, vì xót của, bà này chạy sang bắt lại, nào ngờ vướng phải dây thép trên giàn mướp nhà bị cáo nên mới bị điện giật chết”, người nhà nạn nhân cho hay.
Khi những câu chuyện còn đang dang dở thì thư ký tòa thông báo HĐXX ra tuyên án và mời mọi người quay trở lại phòng xét xử. Trong tâm trạng đau khổ, rối bời, từng ấy con người, già có, trẻ có lại dắt nhau vào ngồi nghe tòa tuyên án.
Bản án 10 năm tù về tội Giết người là cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết và không biết hối cải của bị cáo Nguyễn Văn Hoàn.