Chồng tuyên bố không đẻ thêm sẽ giao trả nhà ngoại nhưng vừa nghe vợ nhắc lại chuyện xưa, anh đành 'ngậm tăm' tại chỗ
'Khi con tròn 3 tuổi, chồng em nghe họ hàng giục đẻ thêm, anh ấy cũng về yêu cầu vợ sinh tiếp trong khi bản thân em thì chưa sẵn sàng...', người vợ kể.
Hôn nhân chỉ hạnh phúc khi cả hai người cùng chung tay vun đắp cho nó. Nếu 1 người cố gắng, 1 người lại đứng im sẽ khiến đối phương mệt mỏi, không còn động lực bước tiếp nữa.
Một người vợ trẻ mới vào nhóm kín của hội chị em chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình như sau: "Vẫn có câu: 'Gái một con trông mòn con mắt', nhưng đấy là người ta chứ em sinh bé đầu lòng xong mặt chỉ còn nhìn thấy mỗi 2 mắt vừa to vừa thâm quầng, trũng hoáy. Tại con em quấy lại chỉ có mình em đánh vật với nó, chồng em vô tâm chẳng bao giờ giúp vợ chăm con. Nhiều lúc mệt quá, em ý kiến thì chồng bảo: 'Cô là mẹ nó, đương nhiên phải có trách nhiệm chăm nó là đúng'…".
Người vợ này chia sẻ rằng, từ ngày sinh con, mâu thuẫn giữa cô với chồng ngày một nhiều. Mệt mỏi bởi công việc cộng thêm ức chế về tinh thần khiến cô có lúc tưởng như bị trầm cảm sau sinh. Vậy nhưng cô càng cố gắng, càng nỗ lực thì chồng cô lại chỉ xem đó là bổn phận, trách nhiệm mà một người vợ phải làm.
"Khi con tròn 3 tuổi, chồng em nghe họ hàng giục đẻ thêm, anh ấy cũng về yêu cầu vợ sinh tiếp trong khi bản thân em thì chưa sẵn sàng. Con em vẫn còn nhỏ, thằng bé lại quấy, nếu em sinh luôn cả em cả con sẽ đều vất vả. Em phân tích hết lời cho chồng nhưng anh không chịu cho vào tai, liên tục gây áp lực bắt vợ đẻ ngay. Vì chuyện sinh nở này mà vợ chồng cãi vã không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên em cương quyết không nhượng bộ".
Người vợ trẻ này tâm sự, chồng cô ra lệnh cho vợ nhiều lần không được, anh quay ra lấy nhà ngoại để gây sức ép với vợ.
"Cuối tuần trước chồng em đi ăn với bạn bè về, chẳng biết bị kích bác thế nào về lại hằm mặt bảo vợ: 'Muốn gì cô cũng phải đẻ ngay cho tôi đứa nữa, đừng có để người ta bảo là vợ chồng không đẻ được thêm. Đàn bà lấy chồng mà ngại đẻ, không chịu sinh nở thêm cho nhà chồng thì bỏ đi, giữ lại làm gì. Tôi nói trước, cô không đẻ đứa thứ 2 ngay là tôi gọi bố mẹ cô để giao trả con gái đó. Tôi cưới vợ là đẻ sinh con đẻ cái chứ không phải cưới vợ về để làm cảnh'.
Để cho chồng nói xong, em lẳng lặng về phòng gấp đồ, kéo vali đi thẳng ra cửa mà không buồn nói lại nửa lời. Anh ấy thấy thế trợn mắt chạy ra hỏi rằng em muốn làm gì. Lúc ấy em mới lên tiếng: 'Chính anh nói nếu tôi không đẻ tiếp thì anh trả tôi cho nhà ngoại còn gì. Khỏi cần anh gọi trả, tôi tự về luôn cho nhanh.
Nói thật với anh, tôi chưa bao giờ ngại đẻ nhưng không thể nuôi con 1 mình mãi. Anh không đẻ, không chăm con làm sao biết được nỗi vất vả của vợ. Anh có nhớ khi tôi nhập viện đẻ lần trước, lúc ấy anh ở quán bia, vợ gọi nổ máy anh không nghe chứ. Cuối cùng người ký giấy mổ cho tôi là mẹ tôi, sau này chăm con cũng chỉ mình tôi chăm đêm chăm ngày, anh chỉ cho tôi 'giống', còn lại tất cả tôi tự phải lo. Vậy nên lần này tôi từ chối không "xin giống" của anh nữa.
Anh chỉ hô hào vợ đẻ để có nhiều con nhưng khi con ốm lại bảo tôi đẻ ra chúng phải tự chăm được chúng. Vậy người bố như anh có vai trò gì trong nhà? Có chồng như anh, tôi thà làm mẹ đơn thân cho đỡ nhọc lòng.
Nói xong em bế luôn con về ngoại, tuyên bố sẽ ly hôn nhưng vài ngày sau, ở nhà một mình chắc nghĩ tới lời vợ nói, chồng em "thông não" hơn mới nhắn tin xin lỗi, sang nhà nói chuyện với bố mẹ để xin đón vợ con về. Em thỏa thuận rõ, nếu không thay đổi, sống có trách nhiệm hơn với vợ con, em sẽ không sinh thêm và lão ấy đồng ý".
Sức chịu đựng của phụ nữ vốn rất dẻo dai nhưng cũng có giới hạn. Họ không thể một mình gồng sức lo cuộc sống thay cho chồng được mãi nếu như các anh không biết trân quý sự hi sinh của vợ. Vậy nên trong hôn nhân, các anh chồng nên hiểu để biết cách san sẻ vất vả cuộc sống với vợ. Có như thế mái ấm gia đình mới thật sự bền vững.
https://afamily.vn/chong-tuyen-bo-khong-de-them-se-giao-tra-nha-ngoai-nhung-vua-nghe-vo-nhac-lai-chuyen-xua-anh-danh-ngam-tam-tai-cho-20211216215123122.chn