Chớp cơ hội, tỷ phú Pháp kiếm bộn tiền mùa dịch Covid-19 như thế nào?
Với nhiều tỷ phú, nhất là các doanh nhân tại Pháp, đại dịch Covid-19 mang lại cho họ rất nhiều cơ hội béo bở.
“Kiệt quệ”, “Khó khăn”… là những từ được dùng rất nhiều khi nói đến nền kinh tế toàn cầu thời dịch bệnh. Nhưng với nhiều tỷ phú, nhất là các doanh nhân tại Pháp, đại dịch Covid-19 mang lại cho họ rất nhiều cơ hội béo bở.
Dày dạn kinh nghiệm chớp thời cơ từ các cuộc khủng hoảng
Đây không phải lần đầu tiên các nhãn hiệu xa xỉ phẩm đối mặt với khủng hoảng. Lịch sử khoảng 2 thập kỷ trở lại đây cho thấy, những tập đoàn bán sản phẩm xa xỉ trên thế giới đã có khá nhiều kinh nghiệm: từ khủng hoảng tài chính năm 2008 hay bất ổn xã hội, biểu tình liên miên tại Hong Kong - nơi được mệnh danh là kinh đô hàng xa xỉ.
Ông Bernard Arnault, chủ công ty kinh doanh hàng xa xỉ phẩm LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE, cùng nhiều tỉ phú khác chứng kiến tài sản tăng gấp 5 lần, lên tới 443 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2009 đến giữa năm 2020. Tất cả là nhờ những tay chơi châu Á “khát” hàng hiệu Pháp và thị trường bất động sản toàn cầu bùng nổ do tỉ lệ lãi suất thấp.
Với kinh nghiệm đó, giới tinh anh trên thị trường hàng hiệu vẫn nhìn ra nhiều cơ hội từ đại dịch Covid-19 và tranh thủ tận dụng từng chút. Một trong số đó là thời cơ hoàn hảo để tăng cường thâu tóm công ty và ảnh hưởng.
Điển hình như trường hợp rất nhiều tập đoàn đã tìm cách mua lại Tập đoàn Công nghiệp Lagardere SCA từng một thời hùng mạnh và nay đang lao đao vì những chiến lược truyền thông và bán lẻ dưới thời gia đình thừa kế Arnaud Lagardere.
Khi công ty này bị nhà vận động Amber Capital gây sức ép khiến giá cổ phiếu lao dốc thậm tệ, các tỉ phú Pháp nhanh chóng xếp hàng chờ chực cơ hội để chiếm một phần “trong miếng bánh béo bở” của SCA.
Trong đó, các đại gia như tỉ phú Vincent Bollore (sở hữu Vivendi SA), tỷ phú Marc Ladreit de Lacharriere và Bernard Arnault đều mua cổ phiếu của Lagardere, đẩy giá trị cổ phiếu của hãng tăng lên gấp đôi.
Thoạt đầu, dư luận tưởng rằng các tập đoàn xa xỉ đang hỗ trợ Arnaud Lagardere. Nhưng, thực tế cho thấy rõ, hai đại gia Arnault và Bollore đang đối đầu khốc liệt, giành quyền kiểm soát cho chính mình.
Tăng giá thay vì hạ giá, khuyến mại
Một chiến lược đầy bất ngờ khác mà các hãng xa xỉ phẩm đang thực hiện khi khủng hoảng nổ ra đó là tăng giá những sản phẩm cao cấp nhất thay vì hạ giá, khuyến mại để hấp dẫn người mua như cách thức thường thấy trên thị trường bình dân. Ví dụ rõ nhất là nhãn hiệu Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH).
Tuy chứng kiến doanh số trong quý I giảm 27% và lợi nhuận giảm 68% cùng kỳ nhưng hãng lại thực hiện chiến lược duy trì biên lợi nhuận bằng cách áp chiến lược giá cực đắt tại thị trường châu Á.
Hơn nữa, trong biến cố lần này, các nhà bán lẻ có thời gian chuẩn bị để đối mặt với khủng hoảng hơn năm 2008. Ông Simeon Siegel, nhà phân tích bán lẻ tại BMO Capital Markets cho biết, các hãng có thời gian để hạn chế hàng tồn, tránh phải thực hiện những đợt giảm giá mạnh làm giảm tỉ suất lợi nhuận.
Dựa trên cơ sở đó, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, có thể những thị trường đã kiềm chế dịch bệnh, có mức độ tập trung người giàu rủng rỉnh tiền cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản sẽ chứng kiến đợt tăng giá mới.
Nếu không tăng giá, một số hãng chọn cách tái phân phối các sản phẩm tới nhiều thị trường khác, thậm chí là mở rộng sang các mặt hàng đang “sốt” thời dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay.
Đã có nhiều ông lớn trên thị trường hàng hiệu nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, tận dụng những cơ sở sẵn có để sản xuất gel rửa tay tiệt trùng như cách Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) đã và đang làm. Tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới cho biết, họ sử dụng tất cả các cơ sở sản xuất các nhãn hiệu Mỹ phẩm và Nước hoa (Parfums Christian Dior, Guerlain và Parfums Givenchy) tại Pháp để sản xuất lượng lớn gel hydroalcoholic.