Chốt chặn các tuyến phố trọng điểm, kiểm tra nồng độ cồn 'dân chơi' đi bar đêm
Không ít 'dân chơi' bất ngờ khi rời khỏi quán bar, vũ trường thì bị lực lượng công an kiểm tra nồng độ cồn, dẫn đến tâm lý e ngại đối với nhiều thanh niên. Do vậy, thay vì vô tư điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, những người này đã lựa chọn một phương tiện công cộng khác.
“Chấp hành thì tốt cho mình”
“Thực ra trước đây mỗi lần đi lên bar, hay đi nhậu mình vẫn điều khiển xe về bình thường vì cảm thấy vẫn làm chủ được, không đến nỗi say xỉn. Nhưng từ khi công an tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, nhóm của mình đã chọn di chuyển bằng xe taxi cho tiện, vừa an toàn cho bản thân và người khác” - Nguyễn M. (27 tuổi, ở Hà Nội) cho biết.
Cùng quan điểm với M, Trần Ngọc L, 25 tuổi, ở quận Đống Đa chia sẻ: “Thanh niên thỉnh thoảng lên sàn, bar, hay pub để giải trí cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu có hơi men mà lái xe thì nguy hiểm. Đôi khi bất cẩn, không chú ý có thể dẫn tới tai nạn giao thông. Do vậy, theo tôi mọi người nên chấp hành”.
Là địa bàn trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh bar, sàn, vũ trường, cà phê nhạc mạnh… nên không chỉ người dân sinh sống trên địa bàn mà còn cả du khách trong nước, quốc tế về khu vực quận Hoàn Kiếm tham quan, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí.
Xác định mục tiêu để người dân tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai quyết liệt các biện pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền.
“Chúng tôi không lấy số lượng người vi phạm là thành tích. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, Kế hoạch của Bộ Công an, Cục CSGT và CATP Hà Nội của đơn vị chưa tốt. Phải làm sao gắn Kế hoạch vào trách nhiệm của mỗi người, khi họ nhận thức được thì lực lượng Công an mới làm tốt nhiệm vụ và đảm bảo được an toàn cho người dân. Giống việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Có thể họ đội vì sợ bị phạt, nhưng cũng tạo hiệu quả trong việc phòng ngừa rủi ro liên quan đến tính mạng người dân khi có tai nạn xảy ra thì việc tuyên truyền, xử lý nồng độ cồn cũng như vậy” - Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm nhìn nhận.
Để tránh việc người dân bao biện “tôi không biết”, “tôi không nắm được kế hoạch”, Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Công an quận chỉ đạo Công an 18 phường, trực tiếp giao việc cho lực lượng Cảnh sát khu vực đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch của Bộ Công an và Cục CSGT về xử lý vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
“Nếu có trường hợp người vi phạm sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mà bảo không nghe, không biết, chúng tôi sẽ quy trách nhiệm đến từng cán bộ chiến sĩ, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm cũng như ý thức của mỗi người dân” - Trung tá Vũ Thế Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.
Tuần tra, cắm chốt 24/24h
Theo Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm, trước khi Bộ Công an, Cục CSGT triển khai Kế hoạch xử lý các vi phạm giao thông, đơn vị cũng đã chia 4 ca tuần tra kiểm soát 24/24h từ 6h-12h, 12h-18h, 18h-24h và từ 24h-6h sáng hôm sau.
Nhiệm vụ là xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự giao thông, trật tự đô thị và đặc biệt là xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, chạy xe quá tốc độ hoặc dừng, đỗ sai quy định. Từ ngày 20-6 triển khai cao điểm, đơn vị tăng cường thêm các tổ công tác tuần tra kết hợp cắm chốt vào 3 khung giờ, từ 12h-14h, 18h-20h và từ 22h đến 3h sáng hôm sau.
“Ở đây, chúng tôi có đặc thù là nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về vui chơi, giải trí được phép hoạt động đến 2h sáng. Do vậy, các tổ công tác sẽ tuần tra, cắm chốt đến 3h sáng để khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi vấn sử dụng nồng độ cồn mà điều khiển phương tiện sẽ kiểm tra, xử lý” - Trung tá Vũ Thế Cường thông tin.
Từ ngày 20-6 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử lý 22 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2 trường hợp phương tiện chở quá khổ, quá tải, 225 trường hợp không đội mũ bảo hiểm và 2 trường hợp người điều khiển phương tiện là ô tô chạy quá tốc độ .
Trong quá trình xử lý, đơn vị cũng gặp phải những tình huống… “khó đỡ”. “Chúng tôi chỉ kiểm tra, xử lý trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm, nhưng có trường hợp người ngồi phía sau lại cố tình dùng lời lẽ, cách ứng xử không phù hợp, gây khó khăn cho cán bộ chiến sĩ vì người ta biết bản thân mình không bị xử lý nên anh em cũng phải bình tĩnh, mềm mỏng, không để xảy ra tình huống chống người thi hành công vụ” - Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc thông tin.
Cũng như bao bài viết phản ánh khác, cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm trong khi xử lý cũng bị can thiệp bởi “người thân”, “người quen” của người vi phạm. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai Kế hoạch, Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm quán triệt kiên quyết không có “vùng cấm” để tạo sự răn đe.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm xe cơi nới thành thùng, chở quá khổ quá tải, Trung tá Vũ Thế Cường cho biết, địa bàn do đơn vị đảm nhiệm là 116 tuyến phố mà chủ yếu là phố cổ. Những tuyến phố này nhỏ hẹp, người dân kinh doanh, buôn bán, lại có nhiều chợ. Thêm vào đó, 3 ngày cuối tuần, lực lượng chức năng cũng tổ chức cấm đường phục vụ người dân đến với phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.
Chính vì lẽ đó, việc xe tải trọng lớn cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải vào các tuyến đường này là không thể. Chủ yếu các phương tiện vi phạm di chuyển trên các tuyến bên ngoài là trách nhiệm quản lý của Đội Cảnh sát giao thông số 1 - Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, đơn vị cũng đã rà soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà có trụ sở hành chính đóng trên địa bàn, đề nghị cam kết các phương tiện kinh doanh phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.
“Chúng tôi không chỉ tập trung cao điểm mà sẽ duy trì kế hoạch kiểm tra, xử lý song song với các nhiệm vụ khác, để tạo thành nếp nghĩ, thói quen thực hiện tốt các quy định về TTATGT ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Kế hoạch này không nằm ngoài mục tiêu hướng đến an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân” - Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định.