'Chốt chặn' chống khai thác IUU trên biển Kiên Giang
Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang vừa hoàn thành đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang. Đoàn công tác đã làm nhiệm vụ trên các tàu kiểm ngư, qua đó phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, chuyển cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ chủ tàu cá vi phạm pháp luật trên biển.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi trực tiếp tham gia chuyến công tác trên tàu kiểm ngư KN-641-KG. Tàu thực thi nhiệm vụ trên vùng biển các huyện An Minh, Hòn Đất, Kiên Hải. Cùng thời điểm này, tàu kiểm ngư KN-612-KG cũng thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên biển, thuộc khu vực biển hướng ven bờ từ TP. Hà Tiên ra TP. Phú Quốc. Đây là khu vực tiếp ranh vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia.
- “Chúng tôi là lực lượng kiểm ngư Kiên Giang đang tuần tra kiểm soát trên biển. Đề nghị thuyền trưởng hạ ga, trình giấy tờ kiểm tra”!
Thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN-641-KG Lê Hoàng Sơn phát loa thông báo hướng về một tàu cá mang biển kiểm soát BTH-85673-TS, đang hành nghề lưới vây trên vùng biển ven bờ, cách vàm Xẻo Nhàu, huyện An Minh khoảng 5 hải lý. Thời điểm đó vào lúc rạng sáng 14-3.
Thuyền trưởng Lê Hoàng Sơn tiếp tục thông báo: “Đây là khu vực biển ven bờ, tàu trên 12m không được khai thác thủy hải sản. Đề nghị thuyền trưởng thu lưới, dừng hoạt động”. 5 phút sau, lực lượng kiểm ngư đã tiếp cận tàu cá Bình Thuận, thực hiện kiểm tra thủ tục hành chính và dẫn tàu về khu vực cửa biển Xẻo Nhàu để xem xét phương án xử lý.
Tàu cá mang biển kiểm soát BTH-85673-TS do thuyền trưởng Nguyễn Đình Nghiêm điều khiển, dài 13,9m, tàu có 9 thuyền viên hoạt động nghề lưới vây. Sau kiểm tra, đoàn công tác tàu kiểm ngư KN-641-KG kết luận lỗi vi phạm: Thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ hành nghề; sử dụng tàu cá khai thác sai vùng. Theo quy định, tàu cá Bình Thuận chỉ được khai thác ở vùng lộng, không được đánh bắt ở vùng biển ven bờ.
“Với những lỗi trên, chúng tôi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt các lỗi vi phạm là 25 triệu đồng. Chúng tôi sẽ chuyển biên bản, hồ sơ vụ việc đến Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang để xem xét, ra quyết định sử phạt” - Phó phòng Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Ngô Anh Tuấn nói với chủ tàu cá vi phạm.
Thuyền trưởng tàu cá vi phạm chia sẻ với phóng viên, do việc khai thác thủy hải sản ở biển Bình Thuận mùa này gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, cộng với nguồn lợi hải sản dần ít ỏi, khiến anh quyết định vượt biển hàng trăm hải lý từ vùng biển quê nhà vào Kiên Giang khai thác.
Sau khi bị lực lượng kiểm ngư lập biên bản vi phạm hành chính, tàu cá BTH-85673-TS không được phép khai thác tiếp tục ở vùng biển ven bờ huyện An Minh. Theo chia sẻ của thuyền trưởng, anh cùng thuyền viên sẽ di chuyển ra khu vực biển xa bờ, thuộc vùng lộng để tiếp tục bủa lưới. “Chúng tôi mong có được nguồn thu nhập để bù vào chi phí và có tiền nộp phạt các lỗi vi phạm”, thuyền trưởng Nguyễn Đình Nghiêm nói.
Cũng trong ngày 14-3, đoàn công tác tàu kiểm ngư KN-641-KG tiến hành kiểm tra 11 tàu cá khác tại khu vực biển ven bờ huyện An Minh, phát hiện và lập biên bản thêm 6 tàu cá vi phạm. Trong đó, có 1 trường hợp vi phạm giao về Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang xử lý, 5 trường hợp còn lại bàn giao cho UBND huyện An Minh xử lý.
3 giờ sáng 18-3, lực lượng kiểm ngư tàu KN-641-KG khởi hành từ vùng biển gần bờ huyện Hòn Đất vào khu vực biển quanh Hòn Tre, thuộc địa phận huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Trong khoảng 30 phút tuần tra trên khu vực biển cách Hòn Tre khoảng 5 hải lý, lực lượng chức năng phát hiện 2 trường hợp tàu cá “không số”. Đây còn được gọi là tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác).
Tàu “3 không” đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện do ngư dân Đoàn Hoàng Dương, ngụ ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất điều khiển, hành nghề cào lụa, cách Hòn Tre (Kiên Hải) khoảng 4 hải lý. Tàu cá vi phạm dài 16m, trên tàu có 4 thuyền viên, hoạt động không phép nhiều tháng nay.
“Gia đình tôi đã đến cơ quan chính quyền địa phương nơi cư trú để xin phép hoạt động cho tàu cá. Tuy nhiên do cuộc sống khó khăn, tôi đã quyết định ra biển làm liều, khi chưa có giấy tờ pháp lý gì. Tôi cũng biết đây là hành vi vi phạm pháp luật trên biển, có thể bị phạt nặng, nên luôn lo sợ bị lực lượng chức năng phát hiện”, ngư dân Đoàn Hoàng Dương nói.
Tàu “3 không” thứ hai bị lực lượng kiểm ngư phát hiện, xử lý do ngư dân Tạ Văn Khá, ngụ xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất điều khiển. Trên tàu có 3 thuyền viên, hành nghề cào nghêu, lụa trên vùng biển ven bờ thuộc huyện Kiên Hải. Ngư dân Tạ Văn Khá cho biết, do kinh tế khó khăn nên gia đình đã cho tàu cá ra biển hành nghề khi chưa có giấy phép.
Cũng trong chuyến tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện ngư dân Nguyễn Quang Vinh, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương điều khiển tàu cá “3 không” dài 13m đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển ven bờ, thuộc huyện Hòn Đất.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quang Vinh từng bị lực lượng kiểm ngư Kiên Giang lập biên bản vi phạm hành chính chỉ mới hơn 1 tuần trước. Tàu “3 không” này đã vi phạm 2 lần chỉ trong một thời gian ngắn là điều rất đáng báo động.
Lực lượng kiểm ngư đã tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc các tàu “3 không” hoạt động trái phép, bàn giao cho chính quyền địa phương nơi cư trú của các chủ tàu vi phạm để xử lý.
Phó phòng Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Ngô Anh Tuấn cho biết, khá dễ để nhận diện tàu cá “3 không” vì trên thân tàu hoàn toàn không có số hiệu. Đây thường là những tàu cá vừa và nhỏ, neo đậu tại các cửa sông, cửa rạch, nơi không có lực lượng biên phòng kiểm soát.
Tàu cá “3 không” thường hoạt động ở vùng biển ven bờ, hành nghề lưới ghẹ, cào sò lụa, cào nghêu… Công tác tuần tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật trên biển của tàu cá nói chung, giám sát hoạt động của nhóm tàu “3 không” nói riêng được lực lượng kiểm ngư thực hiện cả ngày lẫn đêm.
Tính đến ngày 11-3-2024, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 8.221 tàu cá đã đăng ký hoạt động. Trong đó, tàu lớn kích thước từ 15m trở lên là 3.638 tàu, còn lại là tàu từ 6m đến dưới 15m. Theo đánh giá, ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn tỉnh có hàng trăm tàu “3 không” đang hoạt động ở vùng biển ven bờ, thuộc các địa bàn như Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh, An Biên, Châu Thành, Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi cho biết, việc kiểm soát, xử lý vi phạm đối với đội tàu cá “3 không” khá khó khăn, do tỉnh có địa bàn rộng với khoảng 100 cửa sông, rạch thông lưu ra biển không có lực lượng biên phòng kiểm soát.
“Với thực trạng trên, chúng tôi đề xuất chính quyền các địa phương ven biển cần thắt chặt việc nắm tình hình, quản lý, kiểm soát, xử lý hợp tình, hợp lý đội tàu cá “3 không”. Thực tế cho thấy, hầu hết chủ phương tiện tàu cá “3 không” thường có cuộc sống khó khăn, nhiều người chạy gạo hàng ngày. Cho nên, việc xử lý các chủ tàu cá thuộc diện này cần sự cân nhắc, chia sẻ nhưng vẫn giữ nguyên tắc thượng tôn pháp luật”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi cho biết.
Trong đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát từ ngày 14 đến 20-3, 3 tàu của lực lượng kiểm ngư Kiên Giang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển ven bờ và vùng lộng, thuộc địa bàn Hòn Đất, An Minh, Kiên Lương, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP, Phú Quốc. Qua đó, lực lượng kiểm ngư Kiên Giang đã phát hiện, lập biên bản ghi nhận vụ việc, biên bản vi phạm hành chính chuyển cơ quan chức năng xử lý hàng chục tàu cá vi phạm.
Vấn đề nổi cộm nhất là có nhiều tàu cá hoạt động nghề nghiệp sai vùng. Cụ thể, có hơn 10 tàu cá kích thước lớn trên 12m bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vì đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển ven bờ.
Theo Điều 43, Nghị định 26/NĐ-CP, ngày 8-3-2019 của Chính phủ, tàu cá trên 12m chỉ được khai thác ở vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác ở vùng biển ven bờ.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi bày tỏ sự boăn khoăn vì số lượng tàu cá lớn trên 12m hoạt động ở vùng biển ven bờ, khai thác với tần suất cao sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại ở hiện tại và cả trong tương lai.
“Chúng ta sẽ rất xót xa nếu nhìn thấy cảnh những cặp ghe cào đôi to lớn, đáng lý phải khai thác ở vùng khơi, lại về khu vực biển ven bờ để cào hải sản. Hoặc cảnh những tàu lưới bao, lưới kéo kích thước lớn, quy mô hơn chục thuyền viên hàng ngày khai thác ở vùng biển chỉ cách đất liền dăm ba hải lý. Nếu không chấn chỉnh, cách khai thác này sẽ khiến nguồn lợi thủy hải sản cạn kiệt”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi nói.
Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm ngư Kiên Giang tập trung vào kiểm soát thủ tục hành chính của chủ tàu cá gồm: Giấy đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, nhật ký khai thác. Kế đến, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tình trạng của thiết bị giám sát hành trình (đối với tàu 15m trở lên), kiểm tra vùng và ngư lưới cụ khai thác… Mọi thứ đều phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.
3 ngày 2 đêm theo hải trình tàu KN-641-KG, phóng viên Báo Kiên Giang chứng kiến lực lượng kiểm ngư Kiên Giang phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính hàng chục tàu cá với rất nhiều lỗi vi phạm.
Có thể kể như việc tàu cá trên 12m mang biển kiểm soát KG-39055-TS của ngư dân Phạm Minh Phụng, ngụ huyện An Minh hành nghề cào chiếc trên vùng biển ven bờ, gần cửa biển Xẻo Nhàu, huyện An Minh.
Tàu cá mang biển kiếm soát KG-93117-TS có chiều dài lên đến 21,3m do thuyền trưởng Nguyễn Văn Bộ, ngụ xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất điều khiển đang thực hiện hành vi cào đôi khai thác thủy hải sản khu vực biển ven bờ của huyện Hòn Đất.
Ngư dân Trần Trí Linh, ngụ xã Tân Thạnh, huyện An Minh là chủ tàu cá dài trên 15m đã hết hạn đăng kiểm 5 năm. Ngoài ra, chủ tàu không có giấy phép khai thác thủy sản, tàu không có thiết bị giám sát hành trình, không có nhật ký khai thác, khai thác bằng ngư cụ cấm ở vùng biển ven bờ (lưới bát quái). Ngư dân này còn thực hiện hành vi dùng lưới bao bãi, thu tiền 2 triệu đồng/lượt khi có tàu cá muốn vào khu vực “biển bao” để khai thác…
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang, rạng sáng 20-3, lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư KN-612-KG đã phát hiện tàu cá mang biển kiểm soát KG-91527 của ông Huỳnh Xuân Vinh, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá đang chở 4 thiết bị giám sát hành trình của 4 tàu cá khác trên vùng biển Tây Nam đảo Phú Quốc. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng nắm được thông tin về 4 tàu từng sử dụng 4 thiết bị giám sát hành trình “gửi” trên tàu cá của ông Huỳnh Xuân Vinh.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp các ngành, cơ quan chuyên môn để củng cố hồ sơ vụ việc, làm cơ sở để xử lý, duy trì việc thực thi pháp luật trên biển. Việc tàu cá không sử dụng đúng cách thiết bị giám sát hành trình cần được theo dõi đặc biệt. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là nhóm đối tượng tàu cá dễ có hành vi xâm phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài”, Phó phòng Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Ngô Anh Tuấn cho biết.
Trong quá trình dẫn dắt phương tiện về điểm xử lý, cán bộ kiểm ngư Kiên Giang đã tuyên truyền Luật Thủy sản, những vấn đề cơ bản để thực hiện các thủ tục hành chính khi đánh bắt trên biển cho thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu vi phạm.
Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư chú trọng tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đó, nghiêm cấm tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài; tất cả tàu từ 15m trở lên bắt buộc phát gắn thiết bị giám sát hành trình, đồng thời đảm bảo thiết bị này còn hoạt động bình thường.
Lực lượng kiểm ngư Kiên Giang tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trên biển.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng nhắc nhở chủ tàu ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, đưa hàng hóa, sản phẩm thủy sản vào hai cảng chỉ định (Tắc Cậu và An Thới) để buôn bán, vận chuyển lên hàng. Qua đấu tranh tuyên truyền, kết hợp lập biên bản vi phạm hành chính, nhiều ngư dân nhận thấy lỗi vi phạm, hứa sẽ khắc phục.
Năm 2023, lực lượng kiểm ngư Kiên Giang và các lực lượng thuộc các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện hàng loạt đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý 586 vụ việc vi phạm pháp luật trên biển, tổng số tiền xử phạt trên 14 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt chủ tàu liên quan đến 148 trường hợp tàu cá vi phạm về thiết bị giám sát hành trình, với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89 thiết bị giám sát hành trình của 41 chủ tàu, với tổng số tiền trên 19,6 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 16 vụ/22 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang Cô Hồng Khởi cho biết, những trường hợp vi phạm pháp luật trên biển được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, với rất nhiều lỗi vi phạm khác nhau. Số lượng tàu cá vi phạm bị xử lý chỉ là phần nổi của 'tảng băng". Trong lộ trình gỡ thẻ vàng, đây là vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt của hệ thống chính trị, của các ngành và nhân dân tỉnh nhà.
“Bà con nên tuân thủ pháp luật để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cho các thế hệ mai sau. Chúng ta cần hành động chống khai thác IUU, mong bà con ngư dân hợp tác, tuân thủ pháp luật, đặc biệt không khai thác ở vùng biển nước ngoài. Nếu chúng ta làm tốt, khả năng Ủy ban châu Âu (EC) gỡ thẻ vàng là rất lớn”, đồng chí Cô Hồng Khởi nhấn mạnh.