Chốt đơn online hay chiêu thức 'lùa gà'?

Bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng bởi nhu cầu mua sắm trực tuyến của con người lên cao. Cùng với đó, thời gian gần đây xuất hiện tin đồn nhiều 'chiến thần livestream' thu lợi hàng tỉ đồng mỗi phiên lên sóng khiến nhiều người 'phát cuồng' và muốn làm theo?

Có cầu ắt có cung, nhiều cá nhân, hội nhóm thi nhau mở lớp dạy học trực tuyến đào tạo về kinh doanh online với cam kết “không giàu trả lại tiền”. Nhưng giàu đâu chưa thấy, mà chỉ thấy mất tiền vô ích?

Nhan nhản những lớp dạy chốt đơn

Thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến đang phát triển vượt bậc qua các kênh mạng xã hội cùng nhiều sàn giao dịch trực tuyến. Do đó, bán hàng online trở thành phương pháp kiếm thu nhập hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực bán hàng livestream đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Những bài viết quảng cáo dạy bán hàng online 0 đồng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Những bài viết quảng cáo dạy bán hàng online 0 đồng xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Mới đây phiên livestream bán hàng trên TikTok của tài khoản “Quyền Leo Daily” kéo dài hơn 12 tiếng nghe nói với doanh thu lên đến gần 75 tỷ đồng với 95 sản phẩm của 50 thương hiệu ngành mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, điện tử, thời trang đã thực sự gây choáng? Trước đó ở phiên livestream đầu tháng 1/2023, Phạm Thoại lập kỷ lục với 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và đạt gần 50.000 đơn hàng chỉ trong 12 tiếng. Thời điểm đó, doanh số bán hàng qua livestram trên là cao nhất trên sàn TMĐT TikTok shop.

Tồn tại không lâu, kỷ lục livestream của Phạm Thoại đã bị “chiến thần” review Võ Hà Linh phá vỡ. Theo đó, với việc livestream tận xưởng sản xuất, TikToker này đã thu hút hơn 300 nghìn người xem cùng lúc, tổng 80.000 lượt xem, 11 triệu lượt thả tim và 58.000 người mua hàng cùng lúc. Doanh thu kỷ lục ở phiên livestream đó nghe đâu là 1,5 triệu USD và khiến TikTok shop Đông Nam Á sập sàn.

Chính những con số “siêu thực” này càng khiến nhiều người ôm mộng làm giàu bằng việc bán hàng online. Nắm bắt tâm lý nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn tìm hiểu các kênh bán hàng mới, gia tăng hiệu quả và nâng cao doanh số, nhiều khóa học livestream bán hàng về TikTok shop, Facebook, Shopee... đã trở nên nở rộ trong thời gian qua.

Chỉ cần vào Google gõ cụm từ khóa “Khóa học bán hàng trên TikTok shop” hoặc “khóa học bán hàng online”, ngay lập tức hiện ra hàng triệu kết quả. Đa phần các bài viết đều quảng cáo về các khóa học livestream, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ngay cả trên TikTok hay Youtube cũng có nhiều clip ngắn hướng dẫn bán hàng online.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các hội nhóm chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng, kinh nghiệm chốt đơn, kinh nghiệm livestream thu hút người xem. Điều dễ dàng nhận thấy các hội nhóm này được thành lập và điều hành bởi những người tự nhận là chuyên gia, giáo viên trong lĩnh vực marketing, bán hàng, chốt đơn trên các nền tảng. Những người này thường sử dụng ngôn từ hoa mỹ, lôi cuốn và thôi thúc mọi người phải tham gia. Bên cạnh đó, họ còn đua nhau khoe danh thu, doanh số khủng với hình ảnh tiền nhiều trong tài khoản hay những tệp tiền mặt mệnh giá cao.

Chỉ cần gõ từ khóa “lớp dạy bán hàng online” có thể cho ra hàng nghìn kết quả.

Chỉ cần gõ từ khóa “lớp dạy bán hàng online” có thể cho ra hàng nghìn kết quả.

Cũng tại Facebook, hàng nghìn khóa học bán hàng online được quảng cáo rầm rộ. Nhiều khóa học quảng cáo học viên khi đến học sẽ được hướng dẫn kèm thực hành về chính sách sản phẩm của mình, được trải nghiệm trong không gian studio chuyên nghiệp và thực tế. Sau khóa học thực chiến, học viên sẽ thành thạo livestream, tự tin lên live trên tất cả các nền tảng, giúp đẩy nhanh bán hàng online, biết cách để có đông người xem, đông người tương tác, chơi game hút thêm người mới, tận dụng và khai thác khách hàng cũ tiềm năng. Những khóa học này thường kéo dài từ 3-5 buổi với mức giá khác nhau, dao động từ 3-10 triệu đồng.

Để lôi kéo học viên, nhiều người đã đăng bài quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” như: “Tại khóa học này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn kiến thức để trở thành một nhà kinh doanh online thực thụ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn từng bước dể có những kỹ năng cần thiết, kiến thức thực tế, không lý thuyết sáo rỗng. Học mọi lúc mọi nơi chỉ cần 1 chiếc điện thoại hoặc máy tính là có thể tham gia”. Hay “3 tháng đổi xe, 6 tháng đổi nhà nhờ kinh doanh online, học kinh doanh với giá chỉ 0đ bạn có dám thử?”

Các khóa học được giới thiệu là miễn phí, 0 đồng thực chất chỉ là chiêu thức dẫn dụ học viên tham gia. Ban đầu, nghe có vẻ là học không mất tiền nhưng thực chất khi tham gia lớp học, các học viên sẽ được yêu cầu bỏ từ vài trăm đến vài triệu đồng để mua tài liệu hoặc để được vào các hội nghe các “chuyên gia” uy tín hàng đầu giảng dạy. Những khóa học dạy bán hàng đa phần đều là online nhằm đáp ứng nhu cầu học linh hoạt của các học viên.

Miếng phô-mai miễn phí?

Để tăng độ tin tưởng cho bài viết của mình nhiều đối tượng còn đầu tư mua comment, like ảo. Những “con mồi” mà họ nhắm tới chính là những người mới bắt đầu và chưa biết gì về bán hàng online. Chị Nguyễn Thị Hằng (Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội), chủ một shop quần áo trên địa bàn mới đây là một trường hợp bị đối tượng xấu dẫn dụ tham gia vào khóa học bán hàng online.

Chị Nguyễn Thị Hằng là nạn nhân của một khóa học bán hàng online.

Chị Nguyễn Thị Hằng là nạn nhân của một khóa học bán hàng online.

Chị Hằng nhận thấy việc bán hàng trực tiếp tại shop không còn hút khách nên đã quyết định tìm hiểu cách bán hàng qua mạng xã hội. Một lần chị xem review của một trang mạng xã hội chuyên dạy bán hàng trên TikTok shop và Facebook nên đã kết nối để theo học. Chị Hằng kể: “Họ nói là chỉ sau khóa học tôi sẽ có kỹ năng cực tốt khi bán hàng online, có thể chốt cả trăm đơn hàng mỗi ngày. Tôi đã quyết định đăng ký một lớp học online được giới thiệu cho người mới bắt đầu. Toàn bộ khóa học gồm 8 buổi có giá 1,5 triệu đồng, được quảng cáo do các “chuyên gia marketing và bán hàng online hàng đầu” trực tiếp đứng lớp”.

Tuy nhiên, sau khi đóng 500.000 đồng, chị Hằng chỉ nhận được một bộ tài liệu rất sơ sài, cung cấp vài thông tin cơ bản như mở gian hàng, đăng sản phẩm, quy trình bán hàng trên TikTok shop. Người mở khóa học yêu cầu chị Hằng phải đóng toàn bộ số tiền 1,5 triệu đồng nếu muốn học trực tiếp với “chuyên gia”. “Trước khi đăng ký họ nói rằng chỉ cần đóng 500.000 đồng. Sau khi hoàn thành khóa học và học viên bán được 100 đơn hàng đầu tiên trên nền tảng mới thu số tiền còn lại. Nhận thấy mình đã bị lừa nên tôi quyết định bỏ luôn, chấp nhận mất 500.000 nghìn đồng”, chị Hằng cho biết thêm.

Tương tự, chị Ngô Thị Hồng cũng là nạn nhân của việc lừa đảo bán tài liệu của các chuyên gia. Chị Hồng là một người chuyên bán mỹ phẩm xách tay online, tuy nhiên việc kinh doanh cũng không mấy khả quan. Sau một lần đăng bài viết bán hàng trên TikTok shop, chị Hồng nhận được nhiều bình luận, inbox giới thiệu về “bộ giáo trình tổng hợp” từ chương trình dạy của các “chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, marketing, kinh doanh online”.

“Do điều kiện thời gian, cũng như kinh phí khá cao nên tôi đã không theo các khóa học mà quyết định mua tài liệu với giá 250.000 đồng. Tuy nhiên khi tôi chuyển tiền, người bán khất lần không chịu gửi. Cuối cùng tôi phải dọa sẽ đăng bài bóc phốt lên các hội nhóm thì người này mới chịu gửi lại tài liệu”, chị Hồng kể lại.

Rất nhiều đơn hàng đã đóng gói được đăng tải nhằm dẫn dụ các “con mồi” tham gia vào các khóa đào tạo bán hàng online.

Rất nhiều đơn hàng đã đóng gói được đăng tải nhằm dẫn dụ các “con mồi” tham gia vào các khóa đào tạo bán hàng online.

Khi được hỏi về chất lượng của “bộ giáo trình tổng hợp”, chị Hồng phàn nàn rằng không đáng tiền, không khác gì những tài liệu miễn phí trên mạng, thậm chí không bằng một số clip hướng dẫn trên YouTube.

Có một điểm chung, những bài viết quảng cáo khóa học bán hàng online đều có những cam kết như: Không thành công hoàn tiền gấp đôi; không thành công trả lại tiền… Chính vì thế nhiều “con mồi” đã lung lay, dao động. Bởi ai cũng chung một suy nghĩ họ chẳng mất gì, không thành công vẫn được hoàn lại tiền.

Cũng là một nạn nhân của các đối tượng dạy bán hàng online, chị Văn Thị Thành (Lý Nhân, Hà Nam) kể lại, khoảng tháng 11/2023 chị có đăng ký học một khóa hướng dẫn cách tối ưu thông tin, viết bài khi xây dựng kênh bán hàng trên Shopee. Sau khi nộp học phí 5 triệu đồng, chị Thành được thêm vào một group cùng nhiều học viên khác. Các bài học đã được tải sẵn trong nhóm dưới dạng video, mọi người có thể tùy chọn xem, đồng thời các học viên cũng có thể thảo luận và trao đổi cùng nhau.

“Sau khi vào nhóm, học xong khóa học đó tôi không thu lượm được gì cả. Những kiến thức trong đó rất cơ bản, chỉ cần lên mạng tìm là có ngay. Thực sự kiến thức và số tiền học phí phải đóng là không hề tương xứng, thế nhưng do mình tự nguyện đăng ký nên cũng không làm gì được họ cả”, chị Thành kể lại.

Chưa dừng lại ở đó, chị Thành tiếp tục được các đối tượng này mời chào để đăng ký vào một khóa học thứ 2, được cho là cao cấp hơn. Khóa học này có học phí lên đến 20 triệu đồng, đổi lại họ sẽ xây kênh TikTok cho chị Thành từ A đến Z và cam kết chắc chắn ra đơn. Nếu tham gia vào khóa học này, chị Thành chỉ việc ngồi chốt đơn, nếu trôi chảy mỗi tháng có thể chốt hàng nghìn đơn, doanh thu tính bằng trăm triệu.

Trước hàng nghìn khóa học bán hàng online với những lời lẽ đầy sức thuyết phục, các cá nhân, doanh nghiệp cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ để lựa chọn những khóa học đảm bảo chất lượng, xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra, tránh tình trạng tiền mất nhưng chẳng thu được kết quả gì.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Intelia, khi có dấu hiệu quảng cáo không đúng, hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp dịch vụ nhằm thu hút người học bỏ tiền tham gia, nếu người đào tạo không thực hiện đúng với cam kết cung cấp dịch vụ như đã quảng cáo đã thì đã vi phạm pháp luật dân sự. Cụ thể là vi phạm hợp đồng dịch vụ nên họ sẽ phải chịu trách nhiệm về dân sự, họ sẽ phải chịu phạt, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận và cam kết.

Trong đó có thể phải trả lại một phần hoặc toàn bộ học phí cho học viên. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tùy theo số tiền họ được hưởng lợi ít hay nhiều mà người đào tạo có thể bị xử phạt hình sự từ mức phạt tiền đến mức phạt cải tạo không giam giữ cho đến mức phạt nặng nhất là phạt tù.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chot-don-online-hay-chieu-thuc-lua-ga--i726282/