Chốt phương án xử lý sự cố sụp lún trên đê biển
Sáng 2-3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh có chuyến khảo sát thực tế vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) để ghi nhận thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đường giao thông và sụt lún đê biển Tây…
NDĐT - Sáng 2-3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh có chuyến khảo sát thực tế vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) để ghi nhận thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đường giao thông và sụt lún đê biển Tây…
Sau khi thị sát thực tế hiện tượng sụp lún, sạt trượt ở nhiều vị trí trên tuyến đường Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã đến hiện trường sự cố sụp lún trên đê biển Tây, đoạn từ Đá bạc đến cống Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời); kiểm tra việc khắc phục sự cố rò rỉ mặn qua cống Trùm Thuật Nam (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) và khảo sát tình hình sụp lún lộ giao thông nông thôn.
Đến thời điểm hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn. Thực tế trên đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu các công trình về giao thông, thủy lợi của tỉnh Cà Mau. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 18 nghìn ha lúa bị thiệt hại; lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh gần 43 nghìn ha đã có hơn 26.400 ha (hơn 60%) diện tích báo cháy cấp cao nhất (cấp cực kỳ nguy hiểm); hơn 20.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; hơn 900 vị trí sụp, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài khoảng 22 km. Trong đó có các công trình quy mô lớn như: tuyến Tắc Thủ-Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT), tuyến đường trên đê biển Tây; 18 vị trí công trình ngăn mặn vùng ngọt bị soi mọt, rò rỉ đáy…
Trước những bất ổn nêu trên, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát và mời các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu giúp tỉnh tìm giải pháp ứng phó, khắc phục. Đã có nhiều đề xuất khắc phục các công trình sụt lún và hạn mặn nhưng đến nay tỉnh Cà Mau vẫn chưa đưa ra giải pháp sau cùng. Vì thế, chuyến khảo sát lần này sẽ là tiền đề, là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau đi đến thống nhất trong chủ trương, áp dụng các giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây nên.
Trước đó vào cuối tháng 2, tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tỉnh Cà Mau đã đề xuất hỗ trợ gần 193 tỷ đồng để khắc phục sự cố và thiệt hại do hạn hán năm 2020.
Chiều 2-3, thông tin với phóng viên ngay sau chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh vẫn chưa chốt phương án sau cùng về giải pháp khắc phục sụp lún đường giao thông, trong đó có tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc. Riêng khu vực sụp lún trên đê biển Tây, phương án của tỉnh là sẽ đào một con kênh trữ nước khác nằm cặp dự án tái định cư đê biển Tây, sau đó lấy đất từ kênh để lấp đầy con kênh nằm dọc theo chiều dài công trình lộ trên đê biển Tây, đoạn Đá Bạc đến cống Kênh mới. Trường hợp không đủ đất, tỉnh sẽ bơm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh, tạo phản áp giảm thiểu sụp lún phá vở kết cấu công trình.
Trong quá khứ, hạn-mặn khốc liệt từng xuất hiện ở cà Mau vào cao điểm mùa khô năm 2016, gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Cụ thể, tổng diện tích các trà lúa bị thiệt hại hơn 64 nghìn ha, mức thiệt hại từ 30 đến hơn 70%; Hơn 43.500 ha rừng tràm bị khô hạn, nguy cơ cháy cấp năm; Đàn gia súc bị chết 2.046 con, gia cầm là 7754 con; toàn tỉnh có 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụp lún, làm hư hỏng 113 km đường giao thông; 9.843 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.