Chốt quý III/2022: Chứng khoán tăng nhẹ, sau khi lập đáy mới buổi sáng

VN-Index đang tìm điểm cân bằng mới sau khi tụt xuống đáy 19 tháng, khi áp lực bán cổ phiếu còn cao và nỗi lo lắng còn lớn. Khối ngoại vẫn bán ròng, trong khi tổ chức lớn đưa ra quan điểm thận trọng.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng 30/9 tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số VN-Index tính tới cuối phiên sáng giảm thêm hơn 17,34 điểm, xuống gần ngưỡng 1.108,73 điểm. Đây là đáy mới trong hơn 19 tháng qua.

Như vậy, điểm hỗ trợ rất mạnh 1.110 điểm đã bị xuyên thủng.

Thanh khoản vẫn ở mức khá thấp, chỉ quanh ngưỡng 4.000-6.000 tỷ đồng trong buổi sáng.

Nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục suy giảm, bao gồm cả các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng.

Sang phiên chiều 30/9, sức cầu bắt đáy tăng khá mạnh với khoảng 12 nghìn tỷ được đổ vào thị trường, qua đó giúp nhiều cổ phiếu quay đầu tăng giá và VN-Index từ giảm trong buổi sáng chuyển sang tăng. Chốt phiên 30/9 cũng là phiên cuối tháng 9, chỉ số VN-Index tăng 6,04 điểm lên 1.132,11 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,34%. Như vậy, chỉ số VN-Index đã giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.110 điểm. Thanh khoản tăng mạnh lên gần 18 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn. Dù vậy, trên các trang xã hội, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tỏ ra khá thận trọng khi VN-Index tăng điểm vào cuối quý III khi mà nhiều tổ chức và quỹ đầu tư sẽ có những báo cáo kết quả hoạt động trong quý cũng như 9 tháng đầu năm.

Theo Maybank, trong phiên giao dịch liền trước, ngày 29/9, áp lực bán mạnh xuất hiện gần cuối giờ khiến chỉ số VN-Index tiếp tục đà giảm. Quá trình tìm điểm cân bằng của chỉ số vì vậy vẫn chưa hoàn tất. Vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số là 1.100 điểm, trạng thái ngắn hạn vẫn ở mức rất cần thận trọng. Kháng cự gần nhất của chỉ số tại vùng 1.205 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Thanh khoản trong phiên liền trước yếu với khối lượng giao dịch nằm dưới mức bình quân 20 ngày, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh chưa xác nhận được điểm cân bằng.

Chỉ báo yếu và tồn tại tình trạng quá bán. Đường trung bình động MACD vẫn giảm và đang nằm dưới cả mức 0 lẫn đường tín hiệu. Các chỉ báo động lượng hoạt động ở mức yếu và đang trong vùng quá bán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh các thị trường cổ phiếu lớn trên thế giới cũng giảm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 trong phiên 29/9 (rạng sáng 30/9 giờ Việt Nam) lập đáy mới 2022. Làn sóng bán tháo diễn ra trên toàn thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu bị xả hàng mạnh nhất là Apple sau khi bị một ngân hàng đầu tư lớn hạ bậc khuyến nghị từ “mua” sang “trung lập”. Apple khép phiên với mức giảm mạnh 4,9%.

Gần đây, nhiều tổ chức lớn đưa ra những đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế và chứng khoán thế giới.

Những khuyến nghị tiêu cực của các tổ chức lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế Giới (WB), quỹ đầu tư số 1 Mỹ BlackRock,... về triển vọng nền kinh tế và chứng khoán thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu.

Cú sốc trên thị trường trái phiếu nước Anh sau chính sách tài khóa gây tranh cãi của Tân thủ tướng Liz Truss và đà tăng lạm phát mạnh tại Đức... khiến giới đầu tư tài chính thế giới tiếp tục lo ngại.

Niềm tin tại châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cảnh báo chính sách giảm thuế, bơm tiền của Thủ tướng Anh Liz Truss khi lạm phát đang ở mức cao kỷ lục (2 con số) có thể khiến kinh tế Anh trở thành mớ hỗn độn, suy yếu vĩnh viễn khả năng chi trả nợ của nước này.

Nền kinh tế số 1 châu Âu - nước Đức - cũng vừa công bố lạm phát tháng 9/2022 lên mức 10%, cao kỷ lục trong 70 năm qua. Trong tháng 8, lạm phát của nền kinh tế Đức tăng lên mức 7,9%, sau 2 tháng giảm nhẹ trước đó.

Nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Các hộ gia đình phải chi nhiều tiền hơn cho năng lượng và các hóa đơn sưởi ấm, thậm chí còn thiếu khí đốt cho mùa Đông tới khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine vẫn dai dẳng.

Một trong những nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư hiện nay là sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Các đồng tiền trên khắp thế giới tụt giảm so với USD, qua đó khiến ngân hàng trung ương các nước bước vào cuộc chạy đua tăng lãi suất mà không lường trước hậu quả.

Trung Quốc hiện lo ngại về một vòng xoáy giảm giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) sau khi đồng tiền này xuyên thủng ngưỡng 1 USD đổi 7,2 NDT, mức thấp nhất trong 14 năm qua. Hoạt động bán khống NDT bùng nổ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phải lên tiếng cảnh báo về việc đặt cược vào đồng tiền này.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo kế hoạch sẽ có 2 tháng 10 và tháng 12 và nhiều khả năng tăng lãi suất mỗi lần thêm 75 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát, nâng lãi suất lên mức 2% vào cuối năm nay và lên tới khoảng 3% trong năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Mexico trong khi đã hôm 29/9 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm trăm lần thứ ba liên tiếp, nâng lãi suất của nước này lên 9,25%, mức cao nhất trong lịch sử, trong bối cảnh lạm phát ở mức 8,76%.

Tại châu Á, cuộc đua lãi suất cũng rất nóng. Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) ngày 28/9 đã nâng lãi suất lần thứ 2 liên tiếp, thêm 25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát nước này trong tháng 8/2022 là 7,86% (so cùng kỳ).

Tính tới chiều 27/9, khối nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức đảo chiều sang bán ròng trên Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), với giá trị gần 480 tỷ đồng. Trước đó, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, khối ngoại vẫn đang là điểm sáng khi mua ròng gần 2.600 tỷ đồng.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chung-khoan-lap-day-moi-trong-19-thang-chua-hoan-tat-tim-kiem-diem-can-bang-2065403.html