Chốt thời điểm 'khai tử' hệ thống di động 2G

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15/9/2026, hệ thống di động 2G sẽ chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Từ 16/9 tới, điện thoại 2G sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ. Sóng 2G tiếp tục được sử dụng cho một số dịch vụ kỹ thuật, nhưng sẽ chỉ đến hết ngày 15/9/2026.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Cụ thể, hệ thống 2G sẽ ngừng phục vụ các thuê bao sử dụng điện thoại 2G Only từ 16/9.

Đến ngày 15/9/2026, hệ thống 2G sẽ chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam, chỉ duy trì cho khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Lộ trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Lộ trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dịch vụ di động 2G hiện đang được khai thác trên băng tần 900MHz/1800MHz. Do vậy, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại cho các nhà mạng băng tần này, nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo từ ngày 16/9 tới sẽ không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM.

Để thúc đẩy chuyển đổi điện thoại thông minh, Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi từ điện thoại 2G sang điện thoại công nghệ cao hơn, đồng thời ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi áp dụng đến 16/9.

Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Đồng thời trước tháng 9/2026 phải phát triển các trạm thu phát sóng di động theo hướng mạng 4G có thể phủ hết khu vực mà mạng 2G với tới.

2G là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj) vào năm 1991.

Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95 - 97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã lần lượt phát triển các công nghệ mạng di động mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt là hỗ trợ mạng Internet thông suốt trên các thiết bị thông minh.

Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc áp dụng sóng 3G, 4G, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới.

Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G với các trạm BTS giả mạo gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng.

Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chot-thoi-diem-khai-tu-he-thong-di-dong-2g-192240705153756228.htm