'Chư B'Luk clu clâm' - người hoài hương
Khởi đầu với tập thơ 'Lưng lửng hồn' (2021), đến 'Ngược tìm phía trước' (2022) và gần đây nhất là 'Chư BLuk clu clâm' (2023), người đọc đều có thể nhận thấy được hành trình soi chiếu và lần tìm lại những ký ức của Nguyên Như.
Phong cách viết của Nguyên Như thu hút người ta vào mê cung giải nghĩa, để rồi vỡ ra bởi các tầng lớp nghĩa cô đặc. “Công án thơ” vừa không ngừng mở ra vừa bị nén chặt xuống bởi sự đan cài vô số lớp phiến của những mệnh đề.
“Chư BLuk clu clâm” tiếp nối những địa hạt quen thuộc trong hai tập thơ trước: vùng đất Tây Nguyên, Đắk Nông là quê hương của nhà thơ, gắn liền với hình bóng của tổ tiên, ông bà và cha mẹ; cảnh quan được khắc họa như một truyền thuyết hùng vĩ xa xôi, núi rừng với những đường nét đẹp như một giấc mộng; vấn đề về bản thể và cả sự vắng bóng nét cười, bàng bạc một nỗi niềm miên man như con thuyền đã giong buồm ra khơi song không biết chừng nào cập bến. Những câu chuyện thầm kín bắt đầu được kể, tồn tại một mối liên kết để người ta nhìn thấy được sự dằng dặc và vô cùng của những ám ảnh vô thức. Song cùng một lúc, mối bận tâm về thiên nhiên trở nên rõ rệt hơn, tiềm tàng một xung lực rồi đây sẽ trở thành địa hạt chính trong những gì anh chọn viết ra.
Cảm thức hoài hương trong một cõi xa lạ
Trong tập thơ "Chư BLuk clu clâm", cùng một nỗi nhớ hướng về quê hương, Nguyên Như đã dựng lên hai thời không riêng biệt. Sự khác nhau về thời không ảnh hưởng tới điểm nhìn của nhân vật, từ đó quyết định nhân vật ấy là con người đại diện cho một nhóm người (thuộc thiểu số) hay con người cá nhân (anh ta chỉ đang nói về nỗi lòng thuộc về anh ta khi đối diện với cái bóng của chính mình).
Thời không đầu tiên đặt điểm định vị tại Xaraburly - một tỉnh nằm ở Bắc Lào, với một nhóm thanh niên trẻ rời khỏi nơi sinh thành để tới Lào xuất khẩu lao động, nhưng những ảo mộng đầu đời về giá trị của đồng tiền đã khiến cho cái giá tương xứng phải trả về sau càng đắt hơn gấp bội phần: “Quây tròn chật chội/ chuyến xe nhiệt huyết những trẻ trai/ khướt say bóng đèo/ lan man đồng tiền đầu tiên êm ái/ ở Xaraburly/ có lẽ nhiều ngọt ngào” (Xứ sở & Dấu chân), “Ngật ngờ/ “a la, a la, cho tôi về với bố”/ chỉ côn trùng nấc/ mai rồi! đâu xa được bụi sắt/ đây, phía Bắc/ Xaraburly” (Tôi là người lạ).
“Tôi” sống ở Xaraburly nhưng không thể cắm được cái rễ của mình xuống Xaraburly, “Tôi” chỉ còn cách ngoái nhìn lại quê hương. Nhưng quê hương lúc này vừa có nghĩa là một vùng đất, vừa là một phiên bản của cái tôi trước đây mà con người phải đối diện vào thời khắc đứng trước bao cám dỗ. Kẻ khác dùng thuốc phiện và cơn mê điên loạn để tìm kiếm một sự lãng quên thực tại, bởi thực tại giờ đây đã vượt quá ngưỡng khả năng chịu đựng.
Còn sự quên của nhà thơ vẫn là sự quên có ý thức, song hành với nhận thức trước thảm cảnh hiện thực: “đây giấu mất bóng hình quê hương/ vùng thổ dị dụ mê đàn gà hút hít” (Thổ dị), “Mình quên nhà mình lần nữa/ giữa cái đầu hoang trống/ chưa thể cầu vồng (Lơ lửng). “giấu mất” tức người ta vẫn còn có thể đi tìm, “quên nhà mình lần nữa” tức là đã có tiền lệ trước đây, biết đâu rồi người ta vẫn còn có thể nhớ lại, vì thế nó cũng là lời hứa hẹn trở về. Thời không đầu tiên trở thành một trò trốn tìm của ký ức, khi tâm thức lãng quên trở thành phản ứng chung của nhóm người xa xứ.
Thời không thứ hai không còn từ biên giới này nhớ về biên giới kia, nhưng nặng hơn những ý niệm về tha nhân. Nếu tách rời cảm thức xa lạ với một địa điểm cố định, chủ thể trữ tình không chỉ còn là người lạ bởi vì anh ta phải rời khỏi vùng bản địa văn hóa anh ta cảm thấy mình gắn kết sâu sắc với nó, mà anh ta đã là người lạ bởi anh ta phải hiện hữu trong thế gian.
Một số bài thơ của Nguyên Như mang khuynh hướng hiện sinh với cảm thức bơ vơ, lạc lõng luôn dễ dàng bắt gặp trong văn chương đương đại, từ lạ vì thế cũng trở thành từ quen trong những dòng tự vấn mải miết về thân phận và cuộc đời: “Đời người thường đã lạ/ đời anh cũng chẳng giống sự tiếp nối của đêm/ trăng hôm nay non mãi/ sông cũng hiền…” (1 giờ 06), “Nghĩ về ánh nhìn thật lạ buổi đầu/ có lẽ ủ dần nguyên cớ/ tận trời/ một dòng thơ…/ tro rụi” (Người tình), “Bọt tan nhào lên sóng/ cái hồn vỡ vỡ ra/ cái người ngơ ngơ lạ/ u mê u mê mà” (Những dòng thơ đêm).
Nếu lưu tâm tới vấn đề con người trong thơ của Nguyên Như, người đọc sẽ nhận thấy nhân vật vẫn luôn ở trong một dòng chảy mải miết của những kiếm tìm, nhung nhớ, của những không gian đan xen liên tục đổi cảnh và những khoảng thời gian ra sức lần tìm về.
Những ám gợi về phê bình sinh thái
Trường liên tưởng rộng mở trong sáng tác của Nguyên Như đến từ ý thức của việc lạ hóa các hình ảnh và biểu tượng. Trong địa hạt những chủ đề lớn, người viết hiểu rằng mình cần phải có một tiếng nói khác, đồng thời cũng mong muốn bảo đảm duy trì được tính thống nhất trong những lựa chọn phối ghép tưởng chừng là ngẫu nhiên nhất, để từ đó đạt được cấu trúc mang dấu ấn tinh thần của riêng anh.
Sự lạ hóa ấy thể hiện rõ nhất trong việc đặc tả thiên nhiên: “tán gạo già chờ trăng rịn đỏ” (Nguyệt thực), “sương gió lịm chìm ngăm ngăm da thịt” (A Ma Bum), “rừng thông xanh ươm một hạt trăng cuối cùng” (Ngày nắng rơi). Song đặt trong bối cảnh thiên nhiên không còn toàn vẹn được như ký ức, sự khắc họa thiên nhiên đã xuất hiện những ám gợi về phê bình sinh thái, bởi nỗi hoài hương về quá khứ sẽ khiến người ta nhận ra những đổi thay của thực tại.
Cảm quan về sự rạn vỡ và đứt lìa, về những điều đã mai một dần và không cách nào lấy lại đậm đặc trong những mô tả cảnh quan: “Dãy đồi sau nhà khô trọc từ ngày tôi chưa là bào thai/ trên điệp trùng dây điện và những chấm hoa trồi ra/ khỏi mắt/ nhạt mờ bầy voi hút nước/ rời rạc khoảnh khắc con trăn cuộn ngủ/ cùng mẹ già thổi tù gọi chồng hoàng hôn” (Cân bằng), “Cây ngô, cây mía không còn/ củ mài, củ dờn ôm âm sáo chập chờn chín đỏ/ chiều ngủ giữa quả đồi/ tạm quên từng mẻ gạo khô rát, từng ánh đèn dầu/ nín lặng” (Sáng).
Đồi chỉ “kín xanh” khi đồi ở trong cơn mơ (Trực giác), còn đa số trong những bài thơ khác, hình tượng ngọn đồi gắn liền với sự khô trọc, hoặc hình ảnh ám gợi liên quan tới lửa. Trong hệ ý thức của chủ thể trữ tình khi nghĩ về lửa, lửa luôn là một đối tượng đến từ bên ngoài, sự khởi nguyên của nó không đến từ tự phát, mà dường như có bàn tay người đã châm lên ngọn mồi: “Lửa thiêu tôi điêu tàn/ em rụi cháy/ tại ai?/ gục cả đôi mình (Đêm cuộn mây), lửa ai đốt vào mắt/ lửa ai nhóm lòng tay?” (Trên cỏ), “Chỉ một gió đằm trộn đỏ mặt trời/ ai đốt nhỉ?” (Vào mùa rừng cháy). Nhưng mặc những tiếp nhận bỡ ngỡ ở thế bị động, khi thiếu vắng lửa, con người lại bắt đầu khởi phát một sự tìm kiếm: “gió đâu lửa đâu/ một ngọn đèn dầu/ kiệt sức”… (Trên mây), tạo thành một chuỗi điệp khúc nối tiếp nhau chừng như không có hồi kết.
Và như Chư BLuk - ngọn núi lửa với giấc ngủ đã triệu năm, hiện lên trong thơ gắn liền với lịch sử của họ tộc và giây phút “Tôi” sinh ra trên đời: “bên ven Chư Bluk một họ tộc chôn cọc mé sông cong/ ngả trong bộ rễ lâu năm/ gióng lên những hình hài màu đất/… Khi mẹ tôi sinh tôi dưới gốc Nâm NĐir/ rìa núi lửa âm âm cột khói/ ông Cò Mạ cắm vía buộc chỉ/ đôi mắt trong rỗng lao thẳng phía chân đồi/ nguyên/ nghĩa/ cánh rừng” (Hai mươi tám năm Nâm NĐir hiện ẩn cầu vồng). Núi lửa Chư BLuk đã ở đó xuyên suốt bao thế hệ, từ thời ông bà tổ tiên cho tới ngày “Tôi” sinh ra. Khi “Tôi” nhìn về phía Chư BLuk, tôi sẽ biết nơi chôn ấy lưu giữ ký ức về lịch sử của tộc người mình. Lửa trở thành ký ức, thành văn hóa, thành một di truyền của xứ sở, nhưng nếu con người không biết coi trọng thiên nhiên, lửa cũng sẽ từ tay con người mà hủy diệt cảnh quan, niềm hoài hương từ đó sẽ trở thành nỗi nhớ dành trao một chốn đã không còn có thể quay về.
Con người hoài hương trong thơ của Nguyên Như là con người mang theo nỗi nhớ về cảnh quan, về tổ tiên, nhưng cũng là nỗi nhớ về chính mình. Và bởi có sự hoài hương ấy, con người ta mới dấn thân vào hành trình thơ ca, từng bước dò dẫm quay trở về cố hương trong căn cước, lẫn tìm kiếm miền cố hương chỉ thuộc về riêng mình.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chu-b-luk-clu-clam-nguoi-hoai-huong-i718644/