Chủ bị bắt, 6 cơ sở sản xuất giá đỗ bằng chất cấm vẫn hoạt động
Cả sáu cơ sở sản xuất giá đỗ bị công an phát hiện ngâm tẩm hóa chất cấm nguy hiểm ở Đắk Lắk vẫn đang hoạt động.
Ngày 31-12, Sở NN&PTNT Đắk Lắk có văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT liên quan vụ sáu cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm tẩm hóa chất cấm mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này vừa phát hiện.
Trước khi bị bắt, chưa được kiểm tra
Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, ngày 15-12, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản- thủy sản cử hai công chức phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra, lấy mẫu tại sáu cơ sở sản xuất giá đỗ ở TP Buôn Ma Thuột.
Tổ công tác lấy 35 mẫu giá đỗ, sáu mẫu hóa chất, sáu mẫu nước ngâm đã pha loãng để kiểm định. Qua đó, phát hiện có chất 6- Benzylaminopurine là hóa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk nhận định hành vi cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ đã gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn chủ các cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất cấm.
Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong sáu cơ sở sản xuất giá đỗ bị phát hienejcos sử dụng hóa chất cấm trên, có cơ sở Lâm Đạo của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo, có trụ sở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh" vào ngày 22-4.
Những cơ sở còn lại có quy mô sản xuất hộ gia đình nên không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk thông tin: trong năm 2024, các cơ quan quản lý của tỉnh Đắk Lắk, các huyện đã tiến hành nhiều hoạt động thanh kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, cả 6 cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất cấm trên chưa được kiểm tra qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.
Đối với cơ sở Lâm Đạo, cơ sở này xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.
Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại.
Cả 6 cơ sở bị phát hiện sử dụng chất cấm vẫn đang hoạt động
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, sau khi công an khởi tố, bắt tạm giam chủ các cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất cấm, Sở NN&PTNT kiểm tra, ghi nhận cả sáu cơ sở này vẫn đang hoạt động bình thường.
Đại diện các cơ sở sản xuất giá đỗ cho rằng chủ cơ sở bị tạm giam nhưng công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên họ vẫn tiếp tục sản xuất và ký cam kết không được sử dụng chất cấm.
Thời điểm kiểm tra, Sở NN&PTNT Đắk Lắk ghi nhận có cơ sở giá đỗ bán 1,5 tấn/ngày, hoặc có cơ sở bán 200- 300kg/ngày, ít hơn so với thời điểm bị công an phát hiện.
Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, khi làm việc với đại diện cửa hàng Bách Hóa Xanh, cơ quan chức năng ghi nhận cửa hàng này bắt đầu nhập sản phẩm giá đỗ của cơ sở Lâm Đạo từ ngày 2-5 với sản lượng bình quân 300- 400 kg/ngày.
Sau khi biết thông tin giá đỗ bị nhiễm hóa chất cấm, Bách Hóa Xanh đã ngưng bán, thu hồi sản phẩm, tiêu hủy 343 kg.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk nhận định công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn có nhiều tồn tại, vướng mắc, bất cập. Trong đó, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp, chưa có sức răn đe.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk kiến nghị tăng mức xử phạt, những hành vi tái phạm, đặc biệt là sử dụng hóa chất cấm, phải xử lý hình sự. Đồng thời, cần phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý trong chuỗi sản xuất đến sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ ra thị trường; vì đây là lĩnh vực rất lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị quản lý…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 do còn nhiều bất cập so với hiện tại, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư cho đồng bộ, theo hướng toàn bộ thực phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ ra thị trường đều phải được thực hiện bởi những chủ thể, tuân thủ theo điều kiện, quy trình chặt chẽ theo quy định, đảm bảo có đăng ký, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.
Mỗi ngày "tuồn" ra thị trường 8-10 tấn giá đỗ
Như PLO đã thông tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, phát hiện sáu cơ sở tại TP Buôn Ma Thuột sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine (6-BA) để sản xuất giá đỗ.
Trong 2024, nhóm này đã bán ra thị trường gần 3.000 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-BA, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.