Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý giáo viên chuẩn bị tốt Kỳ thi TN THPT

PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý giúp giáo viên chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, trước hết giáo viên cần hết sức chú ý các yêu cầu về văn bản ngữ liệu mới. Các văn bản này phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018; tránh sử dụng những ngữ liệu không chuẩn xác; chú trọng những văn bản giá trị của những tác giả có vai trò quan trọng trong lịch sử văn học.

Với mỗi văn bản đọc hiểu, giáo viên cần nêu thật nhiều câu hỏi, yêu cầu ở cả 3 mức độ; từ đó chọn lấy những câu hỏi tốt và phù hợp hơn với đối tượng học sinh. Đó cũng là cách giúp học sinh làm quen với nhiều kiểu câu hỏi và yêu cầu khác nhau từ một văn bản cùng một mức độ.

Giáo viên cần chú ý kỹ thuật nêu câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết sao cho ngắn gọn, rõ ràng và đúng các mức độ: biết, hiểu, vận dụng. Học sinh khi làm câu hỏi đọc hiểu tập trung trả lời thẳng vào yêu cầu của đề, hỏi gì trả lời nấy, chú trọng thông tin đúng, không cần trình bày dài dòng thành cả đoạn văn…

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đồng thời lưu ý việc tập trung trao đổi thảo luận đáp án môn Ngữ văn để nắm vững thế nào là đáp án của đề thi theo yêu cầu phát triển năng lực; đáp án mở cho các câu hỏi mở như thế nào?... Đáp án năng lực cần nêu được cách giải quyết vấn đề và nội dung minh họa cụ thể ra sao?

 PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018.

PGS.TS.Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018.

Với học sinh, giáo viên cần nhắc nhở các em chú ý rèn luyện kỹ năng viết đoạn và bài văn; bên cạnh việc coi trọng yêu cầu về ý cần tập trung rèn luyện cách diễn đạt, trình bày tạo cho bài viết có chất văn,… Cần quy định rõ và nhắc nhở học sinh mức độ trừ điểm nếu bài viết mắc quá nhiều lỗi… Quy định này có cơ sở từ yêu cầu của Chương trình Ngữ văn 2018, cụ thể: “Việc đánh giá kĩ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày,...”.

Dạy Ngữ văn ở nhà trường phổ thông nhằm hướng đến mục tiêu phát triển tốt năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản của học sinh; qua đó mà giáo dục phẩm chất và nhân cách người học. Năng lực không phải chỉ biết nhắc lại, học thuộc mà quan trọng hơn là phải biết vận dụng cái đã biết vào bối cảnh mới để tạo ra sản phẩm của riêng mình.

Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng lưu ý giáo viên cần chú trọng rèn luyện học sinh cách đọc, cách viết trước một văn bản ngữ liệu mới; chú trọng cả nội dung và hình thức diễn đạt, trình bày… Không thể dạy theo kiểu học tủ, đoán mò, học thuộc để chép lại tài liệu có sẵn.

“Đổi mới đánh giá, thi cử rất cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên không vì thế mà ra đề thi đánh đố học sinh, làm khổ người dạy, người học.

Chương trình Ngữ văn 2018 đã nêu: “Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để kiểm tra, đánh giá...”. Vì thế, những yêu cầu và định hướng lớn của Kỳ thi cần được phổ biến rộng rãi, giúp giáo viên thuận tiện trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập có hiệu quả.

Đây cũng là cơ sở cho việc biên soạn đề thi tốt nghiệp THPT từ trung ương đến địa phương; bảo đảm sự thống nhất về yêu cầu và định hướng trong đánh giá kết quả học tập Ngữ văn trên toàn quốc”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-bien-chuong-trinh-ngu-van-2018-luu-y-giao-vien-chuan-bi-tot-ky-thi-tn-thpt-post725002.html