Chú bò nhỏ đáng thương

Người ta đã trói con vật bé nhỏ bằng một cái chạc to cuốn sát cổ nó với cây cột điện bằng sắt, còn có cả cái khấu ở mõm nữa. Nhưng nó không giãy giụa, hoặc là khi tôi chụp ảnh này nó đã mệt với những cơn giãy giụa mà bây giờ nó đứng một cách hiền lành và cam chịu.

Một bức ảnh lâu rồi, khi trên đường về quê đoạn qua thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Cũng chẳng có gì cản tay ga đằng trước, nhưng tôi quyết định dừng lại và chụp ảnh con bò đó. Và quãng đường còn lại là những hình ảnh về con bò bị kiền kia và biết bao con bò mà gắn với kí ức hồi nhỏ tôi có.

Hãy nhìn kĩ vào bức ảnh, một con bò con chắc nó cũng khoảng 8 đến 10 tháng tuổi, một con bò đẹp bóng mượt, với sự bóng bẩy đó chắc nó cũng chỉ vừa mới thôi bú sữa mẹ thôi, nó còn quá bé. Người chủ bò đã bán nó còn các nhà hàng thì lúc nào cũng có nhu cầu mua. Chắc ông chủ bò đó có thể có khó khăn nên mới bán nó khi nó còn nhỏ thế kia, vì nó sẽ chẳng được bao nhiêu tiền cả.

Người ta đã trói con vật bé nhỏ bằng một cái chạc to cuốn sát cổ nó với cây cột điện bằng sắt, còn có cả cái khấu ở mõm nữa. Nhưng nó không giãy giụa, hoặc là khi tôi chụp ảnh này nó đã mệt với những cơn giãy giụa mà bây giờ nó đứng một cách hiền lành và cam chịu.

Hình như nó đang nhớ mẹ, nhớ bầu sữa mẹ căng đầy sẽ mang tới cho nó một cái bụng no nê, hay tập tọe mấy ngọn cỏ đầu đời. Chắc sinh vật nó cũng có cảm nhận đó chứ, còn tương lai nó thì nó sẽ chẳng biết nó bị người ta chọc tiết, xả thịt rồi sẽ được bày biện đẹp đẽ lên trên những chiếc đĩa đẹp, bàn ghế sang trọng và những con người ăn thì nó đều mặc quần áo bóng bẩy nói cười tươi vui.

Tuổi thơ tôi có đến mười mấy năm chăn bò, nhà tôi thường nuôi hai bò mẹ, cũng có bao nhiêu con bò con đẻ ra nuôi được hơn năm là bán. Khi tôi còn nhỏ, chắc học lớp 1 lớp 2, có lần bố bán bò khi tôi đi học, vì tôi ở nhà thì tôi sẽ nhùng nhằng khóc lóc không cho bán. Nhưng khi tôi không còn quá trẻ con nữa, đủ để biết là phải bán thì không khóc nữa, tôi còn được giao việc đi dắt nó đến tận nhà người mua hoặc thợ mua bò thịt (đến nơi người ta cũng cho “thằng dắt bò” khoảng 5 - 10 nghìn, rồi lại đi bộ về).

Lúc tôi kéo nó ra khỏi chuồng thì tôi lôi chạc kéo mũi nó, chân nó không bước, cứ ì ra đấy, rồi người mua bò đánh nó, bố tôi đánh nó đuổi nó đi. Những còn bò khác trong chuồng cũng căng mũi sẹo nháo nhác, như là nó biết sắp có cuộc chia tay mãi mãi, bò mẹ bò con, bò anh bò em. Con nào cũng kêu rống lên. Cuộc chia tay cưỡng bức của những vật nuôi.

Tôi đi dắt bò nhưng đâu phải đi nhanh, cứ chần chừ, chậm chạp rồi còn cho nó ăn cỏ ở bờ đê, nếu nó muốn gặm cỏ, vuốt ve nó, tới nơi thì giao bò cho người ta thì nói với nó gì đó kiểu "ở nhà người ta phải ngoan, hay ăn chóng lớn"... Đại loại vậy, rồi nhìn nó một lúc mới quay về. Con vật nó nhìn tôi chắc nó cũng hiểu và thông cảm cho. Coi như đó là một cuộc đưa tiễn mà tôi tạo cho tôi cảm giác không phải quá vô tình.

Còn khi quay trở về bò mẹ đã chảy nước mắt, tôi nghĩ là bò khóc nhưng bò cũng biết khóc à? Sau này tôi có đọc những sách nói sinh vật cũng biết khóc và tôi tin nước mắt đó chính là khóc, nó cũng biết chảy nước mắt, chắc nó thương nhớ con rồi, nó kêu rống bò...bò … Nó kêu riết như là con của nó còn ngay ở sau cái chuồng mà nó không thấy, nó như đang mong cầu tiếng đáp BÒ đáp lại, không có sự đáp lại, Và tận cái chuồng xa xôi kia con bò con nó cũng nhớ mẹ nhớ nhà cũng kêu như vậy.

Quay lại con bò nhỏ đáng thương đứng bên vệ đường kia, ngày mai, hoặc lúc nữa nó sẽ là đủ các món khoái khẩu của những người ưa ăn thịt. Và chắc mẹ nó cũng đang kêu những tiếng kêu gọi con thảm thiết và kêu biết bao nhiêu ngày mới thôi.

Bài và ảnh: Đông

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chu-bo-nho-dang-thuong-a15171.html