Chủ cơ sở massage, spa ở TP.HCM bối rối với yêu cầu mới

Ngành dịch vụ spa, massage vừa có bộ tiêu chí chính thức nhưng vẫn chưa biết có thể hoạt động hiệu quả hay không, trong khi các chuỗi karaoke gần như kiệt quệ.

"Bao ngày mong ngóng được chính thức mở lại, nay tôi đọc bộ tiêu chí đánh giá mới ban hành mà không biết đáp ứng rồi thì có khách đến không", bà T., quản lý chuỗi 4 spa tại TP.HCM, nói với Zing.

Theo văn bản mới nhất của UBND TP.HCM, các cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, massage phải đạt 10 tiêu chí mới có thể hoạt động trở lại. Bên cạnh các quy định cơ bản như thực hiện 5K, khách và nhân viên đều tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh.., tiêu chí gây khó nhất, theo bà T., là yêu cầu khách hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Ai chịu đi xét nghiệm Covid-19 chỉ để đến spa, massage?

Bà T. cho rằng tiêu chí này sẽ cản trở khách hàng tìm đến các cơ sở spa, massage. "Đây là những dịch vụ làm đẹp, chăm sóc cơ thể, chủ yếu phục vụ nhu cầu thư giãn, cho nên khách hàng sẽ khó chấp nhận tốn thêm thời gian và tiền bạc để đến cơ sở y tế xét nghiệm trước đó", bà nói.

Thực tế, chị Tú Linh (28 tuổi, TP Thủ Đức) cũng cho biết thường quyết định đi massage, spa một cách bất chợt sau những ngày làm việc mệt mỏi. Do đó, nếu phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được sử dụng dịch vụ thì chị sẽ không đi.

Một lần massage chỉ khoảng một tiếng mà còn phải mất thêm một tiếng nữa đến bệnh viện xét nghiệm, chờ lấy kết quả... thì tôi thà ở nhà còn hơn.

Tú Linh (28 tuổi, TP Thủ Đức)

"Một lần massage chỉ khoảng một tiếng mà còn phải mất thêm một tiếng nữa đến bệnh viện xét nghiệm, chờ lấy kết quả... thì tôi thà ở nhà còn hơn. TP đã xác định sống chung với dịch thì nên có quy định thông thoáng hơn", chị Linh chia sẻ.

Chị cho biết thời gian qua, cơ sở spa quen thuộc của chị có mở lại với công suất thấp, chỉ nhận khách đặt lịch trước và xét nghiệm nhanh cho khách trước khi vào bên trong. Như vậy, chị chỉ cần đợi khoảng 10 phút, không mất công di chuyển thêm mà vẫn phần nào an toàn.

"Người đến massage, spa chỉ tiếp xúc với một nhân viên lễ tân và một nhân viên phục vụ thì bị yêu cầu đủ thứ, trong khi người đi ăn uống ở nhà hàng, quán xá, tiếp xúc nhiều người thì được thoải mái, tự do. Tôi cho rằng như vậy là bất hợp lý", bà D., chủ một cơ sở massage ở TP Thủ Đức, nêu quan điểm.

Ở góc độ dịch tễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở các mô hình massage, spa cao hơn dịch vụ ăn uống, bởi khách hàng không thể đeo khẩu trang và phải tiếp xúc gần với nhân viên.

Mặc dù vậy, ông khẳng định nguy cơ không phải quá cao, do đó không cần thiết phải yêu cầu khách hàng xét nghiệm. Xét về thực tiễn trên thế giới, ông cho biết một số quốc gia không đòi hỏi xét nghiệm nếu cả hai bên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Có nơi khắt khe hơn như Singapore thì chỉ yêu cầu xét nghiệm với nhân viên.

Tôi cho rằng chỉ nên đưa ra quy định tối thiểu là xét nghiệm với nhân viên, thay vì bắt buộc khách hàng xét nghiệm

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM

"Tôi cho rằng chỉ nên đưa ra quy định tối thiểu là xét nghiệm với nhân viên, thay vì bắt buộc khách hàng xét nghiệm.

Điều này đẩy trách nhiệm của các cơ sở massage, spa lên cao, đòi hỏi nhân viên của họ phải cẩn trọng hơn khi phục vụ khách hàng. Khi đó, cơ sở nào muốn xét nghiệm cho khách thì tự làm ngay tại cơ sở. Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng yên tâm hơn để đến massage, spa.

Chứ về tâm lý của khách hàng, theo tôi sẽ không ai chịu bỏ tiền, bỏ thời gian đi xét nghiệm chỉ để được làm đẹp. Tôi cho điều này là phi lý. Mà nếu có thì đôi khi lại khiến nhân viên các spa, massage chủ quan hơn trong công tác 5K", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhìn nhận.

Đã đến lúc mở lại spa, massage, karaoke với quy định phù hợp

Chia sẻ với Zing, bà T. cho biết hệ thống spa của bà đang đứng trên bờ vực phá sản bởi năng lực tài chính khó cầm cự thêm. Do đó, việc được sớm hoạt động trở lại với lượng khách ổn định là cơ hội duy nhất để phục hồi.

"Đặc biệt, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây sẽ là giai đoạn tốt nhất để chúng tôi vớt vát doanh thu sau một năm liên tục đóng cửa. Tôi hi vọng TP sẽ có sự điều chỉnh hợp lý về bộ tiêu chí để chúng tôi có thể mở lại với điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn", bà T. nói thêm.

Trong khi đó, với tín hiệu này của TP cho ngành massage, spa, các doanh nghiệp karaoke lại càng trông chờ ngày mở lại. Như tại ICool, mỗi tháng đóng cửa hệ thống này vẫn phải chi khoảng 3 tỷ đồng tiền mặt bằng, chưa kể tiền lãi ngân hàng, lương nhân viên, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị... Lượng nhân lực vì vậy cũng sụt giảm nghiêm trọng.

"Hồi giữa tháng 11 chúng tôi đã được hoạt động, nhưng sau đó vì phía massage, spa chưa có bộ tiêu chí đánh giá nên buộc phải đóng cửa tiếp chỉ sau một ngày. Nay TP đã ban hành bộ tiêu chí cho massage, spa, vì sao chưa có động tĩnh gì cho karaoke?", ông Nguyễn Quế Sơn, quản lý chuỗi karaoke ICool, đặt vấn đề.

Ông cho biết bộ tiêu chí với ngành karaoke đã được ban hành từ lâu và các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ công văn cho phép từ phía TP.

 Các chuỗi karaoke càng mong chờ được hoạt động sau khi TP ban hành bộ tiêu chí với ngành massage, spa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các chuỗi karaoke càng mong chờ được hoạt động sau khi TP ban hành bộ tiêu chí với ngành massage, spa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đây cũng là lý do mà ngày 22/12, chuỗi karaoke Nnice gửi thư khẩn cầu xin mở lại đến UBND TP.HCM, Sở Y tế và Sở Văn hóa & Thể thao TP: "Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tỉ lệ phủ vaccine cao, hầu hết hoạt động kinh doanh khác đã được khôi phục, Nnice khẩn thiết kính đề nghị TP cho phép các doanh nghiệp karaoke được sớm mở cửa hoạt động trở lại".

Doanh nghiệp cho biết sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, một số cơ sở đã lần lượt giải thể, khiến người lao động mất việc, đời sống kiệt quệ.

"Doanh nghiệp kiệt quệ vì thua lỗ kéo dài và hoàn toàn thất thu gần cả năm nay, lại phải vay mượn để duy trì trả tiền thuê địa điểm, trợ cấp người lao động, trả nợ lãi vay ngân hàng. Nếu tình trạng này còn kéo dài chắc chắn các doanh nghiệp trong chuỗi Nnice nợ nần chồng chất, rơi vào cảnh cùng kiệt, phá sản", thư khẩn cầu nêu rõ.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nhận định đã đến lúc mở lại các dịch vụ này, với các quy định phù hợp.

"Ngoài các tiêu chí cơ bản, cá nhân tôi thấy lý tưởng nhất là yêu cầu các cơ sở xét nghiệm cho nhân viên mỗi tuần một lần thay vì yêu cầu khách hàng trình giấy xét nghiệm âm tính. Nếu chặt chẽ hơn thì có thể quy định xét nghiệm cho nhân viên 3 ngày một lần, nhưng như vậy có phần tốn kém hơn cho doanh nghiệp", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-co-so-massage-spa-o-tphcm-boi-roi-voi-yeu-cau-moi-post1285087.html