Chủ đầu tư dự án 'nếm mật nằm gai' với đường Vành đai 2 vùng TP.HCM

Đã 15 năm kể từ khi được quy hoạch và triển khai xây dựng, tới nay, tuyến đường Vành đai 2 vùng TP.HCM vẫn còn nhiều đoạn chưa được thi công, khiến cả người dân lẫn chủ đầu tư dự án bất động sản tại những khu vực nơi tuyến đường đi qua biết thế nào là 'nếm mật nằm gai'.

Tuyến đường Vành đai 2 vẫn chưa hoàn thành sau 15 năm xây dựng. Ảnh: Lê Toàn

Người dân khổ sở

Là trục giao thông huyết mạch, được thiết kế để phân luồng, giảm áp lực giao thông cho nội đô, dự án đường Vành đai 2 được kỳ vọng sẽ giảm lưu lượng phương tiện đi lại trên Quốc lộ 1 trước khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần. Sau khi toàn bộ tuyến đường hoàn thành, xe vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây sẽ không phải chạy qua khu vực nội thành, giúp giảm tình trạng ùn tắc kéo dài như hiện nay.

Thế nhưng, kể từ khi được quy hoạch vào năm 2007 với chiều dài toàn tuyến hơn 64 km, tổng vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng, đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được hoàn thiện với chiều dài khoảng 14 km do khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, tại đoạn số 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP. Thủ Đức, hiện vẫn chỉ là những bãi cỏ mọc um tùm, công trường không một bóng công nhân, máy móc và nguyên vật liệu nằm ngổn ngang, gỉ sét... nhiều năm nay.

Việc dự án Vành đai 2 chậm tiến độ kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân quanh khu vực tuyến đường đi qua. Anh Phạm Thanh Tú, cư dân sinh sống tại chung cư Saigon Avenue nằm trên tuyến đường Vành đai 2 cho biết, sau khi tham khảo nhiều dự án, năm 2019, anh quyết định mua căn hộ 2 phòng ngủ với giá hơn 1,5 tỷ đồng tại dự án Saigon Avenue. Ngoài tiện ích và giá cả, vị trí đắc địa của dự án là yếu tố chính khiến anh quyết định xuống tiền.

Anh Tú kể, chung cư Saigon Avenue do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Lan Phương làm chủ đầu tư, thời điểm đó được đánh giá có vị trí đắc địa khi nằm tại mặt tiền của trục đường Vành đai 2 đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đại lộ Phạm Văn Đồng, khi đoạn đường này hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông toàn diện các khu Tây, Bắc và Đông Sài Gòn, tạo thành vòng lưu chuyển giao thông thuận lợi. Thêm nữa, tuyến đường này cũng giúp gia tăng giá trị căn hộ của anh trong tương lai. Tuy nhiên, dù đã nhận nhà vào ở được 2 năm, nhưng tới nay diện mạo tuyến đường vẫn rất nhếch nhác

“Hai năm dọn về chung cư ở là hai năm cư dân phải sống khổ sở vì đoạn đường này ngưng thi công. Trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mịt mù, đi lại rất khó khăn”, anh Tú ngán ngẩm nói và mong rằng tuyến đường nhanh chóng được thi công trở lại để người dân bớt khổ.

Nhiều đoạn đường chưa được thi công do khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Toàn

Chủ đầu tư sốt ruột

Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, việc đường Vành đai 2 chậm hoàn thiện còn khiến một loạt dự án quanh khu vực tuyến đường đi qua rơi vào tình cảnh “đau đẻ chờ sáng trăng”, một trong số đó là dự án Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Đất Phương Nam (Công ty Đất Phương Nam) làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích hơn 8.303 m2 và có nguồn gốc đất tư nhân do Công ty nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ dân đã cập nhật đăng bộ sang tên (có đất ở và đất nông nghiệp). Khu đất phù hợp quy hoạch 1/2000 để đầu tư dự án nhà ở chung cư cao tầng.

Từ tháng 6/2021, Công ty Đất Phương Nam đã triển khai thủ tục đầu tư và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thụ lý lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, nhưng đến nay chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường là chưa có ý kiến với lý do dự án vướng mắc ở khâu kết nối giao thông khi mới có đường nội bộ tạm kết nối vào dự án, trong khi hướng chính vẫn đang chờ đường Vành đai 2 hoàn thiện.

Chung cảnh ngộ là 2 dự án chung cư cao tầng khác cũng tại khu vực phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thiên Phúc Lợi (Công ty Thiên Phúc Lợi) với diện tích 50.111 m2 và Tập đoàn Hưng Thịnh với diện tích gần 29.000 m2.

Trong kiến nghị gửi UBND TP.HCM, cả ba chủ đầu tư đều kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cho doanh nghiệp vì đã có đất ở và các loại đất khác hợp pháp, mà chưa cần xét đến yếu tố kết nối đường Vành đai 2 trong thời điểm này, bởi việc xây dựng tuyến đường đã được Trung ương và Thành phố quyết định triển khai. Đến giai đoạn lập thủ tục cấp Giấy phép xây dựng hoặc nghiệm thu đưa vào sử dụng thì mới xét đến yếu tố kết nối giao thông với đường Vành đai 2.

Riêng Công ty Thiên Phúc Lợi và Công ty Đất Phương Nam xin được tham gia đầu tư xây dựng một phần tuyến đường Vành đai 2 hoặc tuyến đường kết nối dự án của doanh nghiệp với tuyến đường này theo cơ chế xã hội hóa đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông theo quy định.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn số 1511/UBND-DA thống nhất danh mục dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, đối với dự án 2,7 km đường Vành đai 2 (đoạn nút giao thông Gò Dưa - Phạm Văn Đồng) đặt mục tiêu bồi thường hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng trong quý IV/2022, cũng như thông qua quỹ đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Sau khi tháo gỡ những vướng mắc trên, dự án có thể tiếp tục thi công và hoàn thành vào năm 2023.

Ngoài đoạn này, đường Vành đai 2 còn 3 đoạn khác là cầu Phú Hữu - xa lộ Hà Nội (gần 3,6 km), Bình Thái - Phạm Văn Đồng (2,9 km) và Quốc lộ 1 - Phạm Văn Linh (5,4 km) vẫn chưa được thi công. Ba đoạn này mới được thông qua chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư trong năm 2022, chưa biết thời điểm nào mới hoàn thành để khép kín toàn tuyến sau 15 năm xây dựng.

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/chu-dau-tu-du-an-nem-mat-nam-gai-voi-duong-vanh-dai-2-vung-tphcm-299583.html