Chú đi đâu rồi?
1. Thật không may, ba tôi qua đời do một tai nạn sập giàn giáo khi tham gia thi công một công trình nhà cao tầng. Ba đi bỏ lại má và hai chị em tôi. Chị Hai làm công nhân ở Khu công nghiệp Amata, còn tôi đang gắng học để thi vô đại học. 'Vô sư phạm, học ngành Văn học, nay mai làm cô giáo, vừa dạy vừa có thể viết văn' - má khuyên tôi thế.
Chú làm giám đốc ở Công ty Kinh doanh xăng dầu, thi thoảng chú ghé nhà tôi chơi. Anh em mà (ngoại bảo vậy). Chú kém má tôi chục tuổi. Hào hoa.
Má tôi mắc việc suốt ngày, lo chăm sóc cho ngoại, cho con, lại còn phải viết văn, viết báo. Ngoại bảo, má chúng mày là người của công việc.
Sáng nay tôi lên gác xép kiếm quyển truyện, thấy cơ man giấy khen của má. Có những giấy viết bằng mực tàu đã hoen ố, cho tới những giấy đánh bằng vi tính hiện đại (tài sản độc nhất vô nhị của má). Tôi trộm xấu bụng, số giấy khen này bán cho mấy bà ve chai chắc cũng kiếm được khá tiền.
Nhiều người khen má tôi giỏi. Họ không gọi tên chính của má, mà gọi má là “Nhà văn” bằng một giọng rất ái mộ! Nói thiệt, má tôi chẳng có giấy chứng nhận nào là nhà văn. Tuy nhiên nhiều khi, tôi cũng thấy hãnh diện với bạn bè về má của mình. Thật sung sướng khi một đứa bạn chỉ vào tôi trước đám đông: “Con nhỏ này, má nó là nhà văn đấy”.
Trong cặp sách của tôi lúc nào cũng có mấy bài viết của má đăng trên báo hay tạp chí. Nói vậy chứ, tôi chưa bao giờ khoe khoang về má mình! Má tôi là một người bình thường, xuất thân từ cái làng quê suốt ngày quen việc nương rẫy, nắng cháy, mưa rào… Cũng may má biết nghe lời ông bà ngoại gắng học hành nên được thoát ly ra ngoài để đi đây đó. Bão táp cuộc đời dạy cho bà đủ thứ để bà nhìn thấy đủ thứ, kinh nghiệm đủ thứ. Tôi rất kính trọng má ở đức tính khiêm nhường, sự hy sinh và sự say mê học tập.
Hôm nay chú lại đánh xe hơi ghé nhà tôi, trong tay cầm một tờ báo, vừa thấy má chú đã reo lớn: “Chị Tư có bài đăng nè! Có tiền rồi!”. Má cười hạnh phúc lắm!
- Mỗi bài nhuận bút cả tiền trăm, tiền triệu. Tháng làm mấy chục bài, gấp mấy lần lương của em. Chị Tư là giàu nhất đấy, cứ giả nghèo giả khổ. Sống làm gì ở cái chung cư ọp ẹp này. Mua ra mặt tiền xây mấy lầu cho nó hoành tráng! Nhà văn, nhà báo đâu phải chuyện giỡn! - chú phóng ra một tràng âm thanh như diễn viên hài.
- Chị giàu mà chưa có ô tô đi, chú nghèo mà lại có xe hơi đời mới?
- Toàn tiền vay ngân hàng đó chị Tư! Mang tiếng biệt thự, xe hơi, chứ lương em bèo bọt lắm. Có tiếng mà không có miếng.
2. Tôi hay đứng ngoài lan can trông trời trông đất, thấy vườn nhà bên có con chim sâu không ngừng chuyền từ cành này sang cành khác kiếm mồi suốt ngày mà sao chẳng thấy no bụng? Tôi lại nghĩ đến má, chẳng lúc nào nghỉ ngơi. Đang ăn có khi phải bỏ vì lo đi làm phóng sự, hay chỉnh sửa bài vở cho kịp kế hoạch; xem tivi chỉ có trong giờ “Thời sự”. Còn chú thì lúc nào cũng đủng đỉnh mà nhà cửa, đất đai chẳng thiếu thứ gì. Chú vay tiền tỷ sao mà dễ vậy? Má tôi có lần muốn vay tiền ngân hàng phải thế chấp đủ thứ, không có đành chịu! Giá như có cái ngành “Giám đốc” tôi sẽ xin vô học để mong sao giàu có (chỉ cần bằng một phần mấy của chú thôi) tậu cho má cái xe hơi (cũ cũng được), phóng về quê để má thấy lại những cánh cò...
3. Mấy tuần rồi, hôm nay tôi mới về nhà, chả là tôi lên thành phố ôn thi đại học. Tôi ghé nhà chú nhờ tham vấn chọn thi vào ngành nào. Dù sao chú cũng là người thành đạt, chứ cứ như má, tiếng thì có mà miếng thì bé xíu…
Má đến đâu cũng được người này người kia bắt tay vồn vã. Nếu ai không biết tưởng má tôi là quan to, sếp lớn. Mà đã là sếp lớn thì nhà lầu, xe hơi chỉ là chuyện nhỏ.
…
Biệt thự chú đây rồi. Tôi bất ngờ bị tờ giấy dán giữa cửa táp vào mặt. Cái gì đây? Tờ giấy gì đây? Tôi bỗng tăng nhịp thở như người bị thiếu hụt oxy. Tôi cố trấn tĩnh. Và dấu mực đỏ chói cùng với dòng chữ in đậm nét: “Nhà niêm phong, cấm bốc dỡ!”. Mồ hôi tôi vã ra. Tôi không còn nhận ra điều gì. Hoàng hôn đang hầm hập đổ về, pha tiếng ve kêu não nề. Bên tai tôi hiện lên những âm thanh lách cách phát ra từ bàn phím máy tính. Má vẫn miệt mài. Con chim sâu chắc đang đi tìm giấc ngủ. Nó đâu hoàn toàn giống má. Thật là một sự so sánh khập khiễng. Tôi lại nhớ đến câu nói của một nhà văn nào đó: “Nhà văn là tự ăn óc của mình”. À, quên, sao biệt thự của chú lại bị niêm phong nhỉ? Chú đi đâu rồi?
…
- Má ơi, sao nhà chú Hai bị niêm phong nhỉ?
- Ráng lo học đi! - Má trả lời chẳng đúng trọng tâm câu hỏi.
“Chắc lại vi phạm rồi”, tôi nghĩ vậy. Buồn ghê…
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202106/chu-di-dau-roi-3060336/