Chủ động bảo vệ, phòng ngừa cháy rừng mùa nắng nóng
Để bảo vệ, phòng ngừa cháy rừng trong mùa nắng nóng, lực lượng kiểm lâm Sở NN&PTNN đã phối hợp với Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp để nâng cao công tác thông tin cảnh báo, dự báo cháy rừng; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn chủ rừng khi đốt thực bì để chuẩn bị trồng rừng đúng quy định.
Thời gian qua, các Hạt kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, các đơn vị tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương có rừng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ, PCCCR; hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng phòng ngừa, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở cơ sở; xây dựng khung lịch trực PCCCR trong những tháng cao điểm, với số lượng từ 1 - 2 người/ngày…
Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn nào. Song, để nâng cao công tác bảo vệ, PCCCR, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản hiệu quả, Sở NN&PTNN chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong cảnh báo cháy rừng mùa nắng nóng, hanh khô.
Đến nay, lực lượng chức năng đã xác định được tổng diện tích rừng có nguy cơ cháy cao với hơn 8.000 ha; tập trung tại các địa phương: Tam Đảo, Phúc Yên, Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô.
Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của chủ rừng được thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh đã xây dựng được 377 phương án PCCCR, bảo vệ rừng. Các tổ chức, cá nhân đã quan tâm đầu tư trang bị, phương tiện PCCCR, phục vụ đầy đủ các điều kiện chữa cháy rừng, thông tin liên lạc nhanh chóng, kịp thời…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Văn Quyết cho biết: Nhằm chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR trong mùa nắng nóng, Sở NN&PTNN đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp để nâng cao công tác thông tin cảnh báo từ sớm, từ xa về diễn biến rừng, dự báo cháy rừng, nhất là việc hoàn thiện bảng tra cứu dự báo cháy rừng trên quy mô toàn tỉnh.
Qua đó, hỗ trợ việc thực hiện tuần tra, xác minh, kết hợp với quay camera trên cao để kiểm chứng thông tin ở những khu vực khó tiếp cận, phát hiện các vụ việc và có hướng xử lý kịp thời, ngăn chặn các tác động xấu đến tài nguyên rừng. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp giúp lực lượng chức năng quản lý, giám sát, phát hiện cháy rừng hiệu quả.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm chủ động phối hợp với cảnh sát PCCC&CNCH tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm về cháy rừng, hướng dẫn các chủ rừng trong việc dọn thực bì đúng quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm sử dụng lửa trong rừng và ven rừng; không để người dân vào rừng săn bắn động vật.
Đồng thời, chủ động lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó với cháy rừng, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại. Lực lượng kiểm lâm các địa phương luôn chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là vào đợt cao điểm mùa nắng nóng.
Xây dựng cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh 3 lần/tháng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR, bảo vệ rừng bằng xe lưu động, pa nô, áp phích; diễn tập phương án chữa cháy rừng định kỳ, để các lực lượng luôn thường trực và ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra…
Công tác bảo vệ, ngăn ngừa cháy rừng đòi hỏi phải thường xuyên, kịp thời và hiệu quả. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng, trong đó, lấy phòng ngừa là chính. Các chủ rừng phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR, sử dụng lửa phải an toàn khi đốt thực bì…