Chủ động bảo vệ vật nuôi giai đoạn giao mùa
Người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, phòng dịch cho vật nuôi trong giai đoạn giao mùa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn giao mùa, mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh gây hại đàn vật nuôi. Để bảo toàn đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa.
Đảm bảo chế độ ăn uống
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Phú Yên đang bước vào kỳ giao mùa nên thời tiết có nhiều thay đổi, nhiệt độ và độ ẩm biến động mạnh làm vật nuôi không kịp thích nghi, rất dễ nhiễm bệnh. Trong khi đó, đây lại là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút phát sinh, gây hại cho vật nuôi. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong giai đoạn này rất cao, vì vậy người chăn nuôi cần tập trung chăm sóc sức khỏe cho gia súc, gia cầm.
Một trong những việc mà nhiều hộ chăn nuôi đang áp dụng là bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng thông qua khẩu phần ăn uống hàng ngày của gia súc, gia cầm. Theo ông Phùng Hồng Em, chủ trại nuôi heo ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), ngoài khẩu phần ăn như bình thường, ông chủ động bổ sung các loại thuốc bổ trợ như chất điện giải, vitamin, glucose, B-complex... vào nước uống giúp đàn heo nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, ông thường xuyên vệ sinh máng ăn, kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi cho ăn vì thức ăn và các loại dụng cụ rất dễ bị nấm mốc vào mùa này.
Đối với các hộ chăn nuôi bò, giai đoạn này, bà con cũng có cách điều chỉnh khẩu phần ăn với thành phần chính là thức ăn xanh gồm cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và bổ sung thức ăn tinh như cám tổng hợp, cám gạo, bột bắp… vào cuối mỗi ngày với hàm lượng 1-1,5kg/con. Ông Lương Công Luân, chủ trại bò ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) cho biết: Tôi thường xuyên nhắc nhân công bổ sung muối trực tiếp vào nước uống cho bò với hàm lượng khoảng 0,2-0,5kg/con/ngày. Điều này sẽ giúp bò ăn được nhiều và hấp thu thức ăn tốt hơn, qua đó tăng cường sức khỏe.
Chú trọng tiêm phòng và vệ sinh thú y
Ngoài việc đảm bảo thức ăn, nước uống cho vật nuôi, hiện nay, các hộ chăn nuôi còn tích cực vệ sinh chuồng trại, đảm bảo môi trường chăn nuôi thông thoáng, sạch sẽ và an toàn. Bà Lê Thị Thành ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Trong chăn nuôi, khâu vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển, bảo toàn đàn. Điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chuồng nuôi ẩm thấp sẽ khiến các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Chính vì vậy, mỗi ngày hai lần sáng và chiều, tôi thu gom chất thải đưa ra bãi phơi để xử lý. Đồng thời, định kỳ mỗi tuần, tôi phun thuốc sát trùng môi trường toàn bộ trại. Ngay cổng ra vào, tôi bố trí hố vôi bột để sát trùng khi vào trại, hạn chế mang dịch bệnh từ ngoài vào. Tôi còn thường xuyên phát quang xung quanh khu vực nuôi, khai thông cống rãnh thoát nước để không đọng nước quanh chuồng, giúp hạn chế phát sinh mầm bệnh.
Bên cạnh đó, hiện nay, các hộ chăn nuôi cũng rất chú trọng việc tiêm vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm để hạn chế rủi ro. Theo bà Nguyễn Thị Kỷ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), gia đình bà vừa mua ba con bò về nuôi vỗ béo chuẩn bị cho thị trường tết sắp tới. Để phòng ngừa dịch bệnh, tất cả bò sau khi đưa về, bà đều nhốt cách ly, đồng thời tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, số bò này sẽ được xổ giun và đưa vào nuôi vỗ béo. “Ba con bò này tôi mua với giá gần 80 triệu đồng. Đây là số vốn tích lũy của gia đình nên tôi rất lo ngại dịch bệnh xảy ra. Do đó, tôi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của thú y”, bà Kỷ cho hay.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp nên sức đề kháng của vật nuôi giảm; các loại dịch bệnh trên vật nuôi, kể cả thủy sản có nguy cơ bùng phát thành dịch. Chính vì vậy, người chăn nuôi phải tăng cường theo dõi sức khỏe vật nuôi, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn, nước uống, thực hiện vệ sinh thú y, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định.
Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT vận động người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiểm tra, giám sát, đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng để có cơ sở cảnh báo, khuyến cáo sử dụng các loại vắc xin cho phù hợp, hiệu quả.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/285857/chu-dong-bao-ve-vat-nuoi-giai-doan-giao-mua.html