Chủ động các biện pháp chống hạn bảo vệ sản xuất
Trước dự báo tình hình thời tiết khô hạn, ngay từ đầu năm, ngành NN& PTNT đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, đảm bảo cho các loại cây trồng, nhất là vụ lúa xuân sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất, sản lượng.
Tại khu vực đập Be, xóm Bận Dọi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc), mực nước gần như đã cạn hoàn toàn, không đủ để cung cấp nước tưới cho lúa trên địa bàn. Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Do công trình này được xây dựng đã lâu nên xuống cấp theo thời gian. Phần cống phía chân đập đã bị rò rỉ. Hơn nữa, đập đã lâu không được nạo vét nên không thể chứa đủ nước phục vụ sản xuất của người dân địa phương. Khoảng 2 tuần trước, tại một số ruộng lúa trên địa bàn xã đã có dấu hiệu hạn hán do thiếu nước. Tuy nhiên, sau khi không khí lạnh kèm mưa về, các ruộng đều đã có nước trở lại. Dù vậy, theo dự báo, trên địa bàn xã vẫn thiếu nước sản xuất trong thời gian tới. Để đảm bảo cho cây trồng không bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, ngay từ đầu vụ, xã đã xây dựng kế hoạch chống hạn. Bên cạnh đó, bố trí trạm bơm dã chiến, phương tiện lấy nước để chủ động vận hành khi cần thiết. Xã cũng đã có kế hoạch tu sửa công trình đập Be, xóm Bận Dọi và trình lên UBND huyện. Công trình sẽ được triển khai ngay sau khi được phê duyệt.
Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo trồng 62.546 ha cây hàng năm. Hiện các địa phương tiếp tục chăm sóc lúa, màu. Để đảm bảo nguồn nước chăm sóc lúa và hoa màu, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiếu nước phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động kiểm tra, đánh giá khả năng cung cấp nước của các công trình thủy lợi và hệ thống hồ đập, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế của từng vùng và năng lực tưới của công trình.
Đối với diện tích cấy lúa không đủ khả năng nước tưới suốt vụ, kiên quyết chuyển sang cây trồng cạn. Diện tích lúa đã cấy được nông dân thường xuyên kiểm tra bao, đắp bờ giảm thiểu thất thoát nước. Với cây rau, màu, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn các địa phương, nông dân chủ động áp dụng biện pháp tưới ẩm, tưới nhỏ giọt bảo đảm mang lại hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước.
Ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị khai thác các công trình thủy lợi về việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Sở NN&PTNT tiếp tục có văn bản chỉ đạo tới các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình về tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, bảo đảm cấp nước cho sản xuất vụ chiêm và triển khai Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I năm 2023. Theo đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tiếp tục kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và hệ thống thủy lợi. Từ đó rà soát, bổ sung phương án phòng chống hạn hán; lập kế hoạch điều tiết nước hợp lý; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng cạn. Chuẩn bị lắp đặt trạm bơm dã chiến, phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với các hồ chứa mực nước xuống dưới mực nước chết, có thể lắp đặt máy bơm để sử dụng dung tích nước còn lại của lòng hồ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán. Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai phát động Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I nhằm nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, phát quang mái bờ đập, kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng...
Đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Đối với Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện trong tháng 3 và báo cáo về Sở NN&PTNT trước ngày 31/3. Sau khi triển khai thực hiện, tổng kết toàn đợt và báo cáo với Sở trước ngày 30/4; đồng thời, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước nếu có để kịp thời có giải pháp khắc phục. Khoảng 2 tuần cuối tháng 3, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi trong tỉnh giảm đáng kể, tuy nhiên sau đợt không khí lạnh kèm theo mưa vừa qua, lượng nước đã được cải thiện. Song, theo dự báo, lượng mưa năm nay sẽ ít hơn, có nguy cơ xảy ra hạn hán trong thời gian tới. Do vậy, Chi cục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các hồ chứa, công trình thủy lợi, có biện pháp đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân; các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế tại các hồ, đập, công trình thủy lợi, chủ động các biện pháp ứng phó để không ảnh hưởng tới sự phát triển của các loại cây trồng...