Chủ động các biện pháp chống nóng cho vật nuôi
Mùa hè năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết diễn biến phức tạp. Những đợt nắng nóng với nền nhiệt cao diễn ra gay gắt, ảnh hưởng đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Với kinh nghiệm nuôi thủy sản nhiều năm, ông Nguyễn Văn Hợp (thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng) luôn chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để bảo vệ đàn cá khi vào mùa nắng nóng. Ông Hợp cho biết: "Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài nên nguồn nước phục vụ nuôi thủy sản không dồi dào như mọi năm. Tôi đã phải tìm thêm nguồn nước từ các mương, khe suối nhỏ để dẫn về các ao. Cùng với đó, tôi giảm mật độ nuôi để hạn chế tình trạng cá bị bệnh, chết do thiếu ôxy".
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm tăng nhiệt độ nước trong các ao, hồ nuôi cá và lượng mưa thâm hụt gây hạn hán trên diện rộng, nếu không có biện pháp chống nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng của cá, thậm chí có nguy cơ khiến cá chết hàng loạt. Vì vậy, vào những đợt nắng nóng, các hộ nuôi cá cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra môi trường nước, đo độ pH, nâng mực nước trong ao, đồng thời sử dụng sục khí để tăng hàm lượng ôxy, thả lá chuối để che mặt nước nhằm giảm hấp thu nhiệt xuống ao nuôi.
Gia cầm cũng là vật nuôi chịu nóng rất kém nên các hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi. Theo kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà, ông Hà Văn Quang (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) cho biết: "Những ngày nắng nóng kéo dài, bên cạnh các giải pháp điều hòa nhiệt độ, tôi điều chỉnh chế độ ăn, uống của đàn gà. Tôi cho gà ăn vào sáng sớm, chiều mát, hạn chế cho ăn vào buổi trưa; cung cấp đủ nước sạch, bổ sung chất điện giải cho gà uống. Ngoài ra, tôi thường xuyên thay đệm lót chuồng để giảm nhiệt độ chuồng nuôi; phun khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi để hạn chế tác nhân gây bệnh".
Toàn tỉnh hiện có hơn 605 nghìn con gia súc, gần 5 triệu con gia cầm. Nắng nóng sẽ làm cho gia súc, gia cầm giảm ăn, giảm uống, giảm sức đề kháng, khiến vật nuôi dễ mắc bệnh, sốc nhiệt và có thể chết, gây thiệt hại về kinh tế.
Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ chăn nuôi cần kiểm tra chuồng trại, che chắn nắng và che phủ thêm lên mái các vật liệu chống nắng nóng hoặc lắp đặt hệ thống phun nước làm mát trên mái chuồng để đảm bảo chuồng nuôi luôn thoáng mát. Đối với trang trại chăn nuôi bằng hệ thống chuồng kín chủ động đảm bảo ổn định nguồn điện năng, chạy máy phát điện khi không có điện lưới. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh; định kỳ thu gom phân, rác, chất thải ra ngoài khu vực chăn nuôi xử lý hợp vệ sinh thú y; sử dụng các chế phẩm sinh học phun chuồng trại và ủ phân để giảm mùi hôi thối. Giảm mật độ nuôi nhốt trong mùa hè.
Đối với các hộ chăn nuôi gia súc trâu, bò, ngựa không chăn thả và bắt gia súc làm việc vào những ngày nắng nóng, nhất là từ 10 giờ đến 15 giờ trong ngày. Cần đưa gia súc về chuồng trại hoặc đến các khu vực có bóng mát, cây xanh tránh nắng, tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý, bổ sung vitamin C, chất điện giải để tăng sức đề kháng. Các cơ sở nuôi thủy sản cần chú ý đến lượng nước trong ao, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, không nên đánh bắt, vận chuyển cá vào thời điểm nắng nóng.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc trong những ngày tới. Do vậy, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống nắng nóng để bảo vệ đàn vật nuôi sẽ giúp hoạt động chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh và thiệt hại kinh tế.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chu-dong-cac-bien-phap-chong-nong-cho-vat-nuoi-post370002.html