Chủ động các phương án đảm bảo hiệu quả phòng, chống thiên tai

Mùa mưa bão năm nay, dự báo các tỉnh miền Trung sẽ đón nhiều cơn bão, do đó việc chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cần được tăng cường hơn nữa. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh về vấn đề này.

- Thưa ông! Được biết cơn bão số 5 chỉ quét qua địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian ngắn nhưng đã gây ra thiệt hại không nhỏ. Ông có thể cho biết sơ lược tình hình thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra?

- Thưa ông! Được biết cơn bão số 5 chỉ quét qua địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian ngắn nhưng đã gây ra thiệt hại không nhỏ. Ông có thể cho biết sơ lược tình hình thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra?

- Ảnh hưởng của cơn bão số 5 đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị khiến 1 người chết, 7 người bị thương, 893 nhà dân bị tốc mái, hơn 60 ha lúa và hoa màu bị gãy đổ, ngập úng, 1.208 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ, chủ yếu là rừng tràm, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Hải Lăng với 1.200 ha… Bão số 5 cũng gây sạt lở bờ sông Sê Băng Hiêng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, bờ sông đoạn qua các xã A Ngo, Húc Nghì, A Vao trên địa bàn huyện Đakrông, ảnh hưởng đến an toàn nhà ở của người dân và các công trình trong khu vực.

Để triển khai ứng phó với cơn bão, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin để thông báo kịp thời diễn biến bão số 5 cho các địa phương, đơn vị. Các đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã về trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo công tác phòng, chống bão như: Sơ tán 6.355 hộ dân với 17.840 người tránh trú bão, chằng chống nhà cửa, trường học, kho tàng, trụ sở, cắt tỉa cành cây… Triển khai lực lượng chốt chặn không cho người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, vùng sạt lở đất, lũ quét, ngầm tràn mất an toàn, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, các công trình đang thi công khác. Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện lệnh cấm biển, hướng dẫn và kêu gọi toàn bộ 2.312 tàu thuyền đánh bắt thủy sản của tỉnh và các tàu ngoại tỉnh vào các vị trí trú ẩn, không cho người ở lại trên các tàu thuyền, chòi canh thủy, hải sản…

Ngay sau khi bão tan, các địa phương, đơn vị nhanh chóng huy động lực lượng vệ sinh môi trường, khắc phục nhanh các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt. Chính quyền cấp cơ sở huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại nặng về nhà và các hộ thuộc đối tượng dễ bị tổn thương bị thiệt hại về nhà ở, bố trí nơi ở tạm thời cho các gia đình có nhà bị hư hỏng nặng tạm thời không có nơi cư trú, làm tốt việc cứu trợ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại.

 Các lực lượng triển khai giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5 - Ảnh: T.T

Các lực lượng triển khai giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5 - Ảnh: T.T

- Trong những năm qua, phương châm “4 tại chỗ” đã được áp dụng trong công tác hộ đê và phòng chống lụt bão tại hầu hết các tỉnh trọng điểm thiên tai mang lại hiệu quả cao. Đối với tỉnh Quảng Trị, phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT & TKCN đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ trong PCTT & TKCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành cùng các gia đình, tổ chức chính trị - xã hội… chuẩn bị xây dựng các phương án cụ thể đối với 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai sát với loại hình thiên tai sẽ xảy ra nhằm chủ động, ứng phó và khắc phục hậu quả. Về chỉ huy tại chỗ: Kiện toàn ban chỉ huy các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo từng vùng, địa bàn trọng điểm. Tổ chức ứng trực 24/24 giờ khi thiên tai xảy ra. Về lực lượng tại chỗ: Kiện toàn lại lực lượng dân quân tự vệ, thành lập các đội xung kích và phân vùng ứng cứu cụ thể. Cấp cơ sở chủ động trong công tác huy động lực lượng ứng cứu.

Về phương tiện, trang thiết bị, vật tư: Tiến hành kiểm kê, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư từ cấp tỉnh đến cơ sở. Xây dựng phương án huy động trong dân, các doanh nghiệp, tổ chức khi cần thiết và tập kết vật tư tại các điểm cố định để ứng cứu kịp thời. Kêu gọi và huy động lực lượng giúp dân chằng neo nhà cửa, kho tàng, trụ sở, sửa chữa, tu bổ, dọn vệ sinh các địa điểm sơ tán dân đến. Về hậu cần tại chỗ: Tuyên truyền, vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, dầu thắp, thuốc chữa bệnh ... đủ dùng từ 7-10 ngày để chủ động khi thiên tai xảy ra. Từ cấp tỉnh đến cơ sở phải chuẩn bị kinh phí và mua sắm dự trữ phòng khi thiên tai xảy ra.

- Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nửa cuối tháng 9 cho tới hết năm 2020, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Để công tác PCTT&TKCN năm 2020 đạt hiệu quả cao, các ngành và các địa phương cần triển khai thực hiện tốt những nội dung gì?

- Hằng năm, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, trên cơ sở chương trình hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, các địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ động cập nhật, điều chỉnh, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai ở địa phương, đơn vị mình. Trong đó, chú trọng việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm để tổ chức thực hiện.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các đài phát thanh cộng đồng. Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Có kế hoạch bổ sung phương tiện và các trang thiết bị phục vụ công tác thông tin chỉ đạo như: Tăng trạm đo mưa nhân dân, đo lũ, đèn tín hiệu cửa sông, cửa biển, phao cứu sinh, thuyền cứu hộ... ; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định. Các đơn vị, địa phương quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản trong PCTT&TKCN là: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và hiệu quả.

Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau. Kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt nguyên tắc PCTT&TKCN và chủ động “4 tại chỗ” thì càng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Trúc (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151854