Chủ động các phương án tái thiết, phục hồi sản xuất nông nghiệp ngay trong vụ đông xuân 2020 - 2021

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 bắt đầu nhưng hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, công trình thủy lợi bị hỏng nặng, đồng ruộng bị bồi lấp; nông dân thiếu giống cây trồng, vật nuôi… Để tổ chức sản xuất, cần có các giải pháp căn cơ cả trước mắt lẫn lâu dài. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông HỒ XUÂN HÒE, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh.

-Thưa ông! Sau thiên tai, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiệt hại rất nặng nề, vậy ngành đã có kế hoạch gì để khắc phục hậu quả trước mắt khi thời gian chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 không còn nhiều?

-Thưa ông! Sau thiên tai, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiệt hại rất nặng nề, vậy ngành đã có kế hoạch gì để khắc phục hậu quả trước mắt khi thời gian chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 không còn nhiều?

-Đúng vậy, thời gian không còn nhiều nên chúng tôi đang tập trung huy động mọi nguồn lực, ứng dụng đồng bộ các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức khôi phục sản xuất trên diện rộng để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020 - 2021 nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống Nhân dân.

Toàn ngành đang dồn lực cải tạo đồng ruộng, trả lại mặt bằng mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp sau lũ. Sau khi rà soát hiện trạng 1.359 ha đất lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngành đang phân loại độ sâu vùi lấp, loại đất vùi, từ đó đưa ra các giải pháp khôi phục, cải tạo phù hợp để kịp thời tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Phương án cụ thể là: Đối với diện tích đất lúa bị vùi lấp có độ sâu dưới 15 cm, hướng dẫn người dân cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, cải tạo đồng ruộng bằng vôi và các chế phẩm vi sinh vật để làm đất gieo cấy vụ đông xuân. Vùng đất bị vùi lấp sâu từ 15-30 cm, dùng các phương tiện cơ giới để giải phóng khối lượng đất, cát trên đồng ruộng, trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu, sau đó dùng vôi, các chế phẩm vi sinh để cải tạo đồng ruộng. Vùng đất bị vùi sâu trên 30 cm thì hướng dẫn người dân cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi, các chế phẩm vi sinh vật, sau đó làm đất, lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp như rau các loại, ngô, lạc... Riêng địa bàn huyện Hướng Hóa, do vấn đề an ninh lương thực, cần khôi phục khẩn cấp 300/400 ha diện tích đất lúa bị vùi lấp trên 1 m để tổ chức sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021.

Đối với diện tích đất trồng hoa màu bị vùi lấp, hướng dẫn người dân cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi, các chế phẩm vi sinh học, sau đó làm đất gieo trồng các loại cây màu phù hợp với từng vùng đất trồng lạc, ngô, khoai lang, hay rau các loại... Người dân cũng cần chú ý, đối với việc xử lý đồng ruộng bằng vôi và các chế phẩm vi sinh, để đảm bảo hiệu quả cao nhất khoảng cách giữa lần xử lý vôi và các chế phẩm vi sinh ít nhất 7 ngày.

 Huy động các lực lượng ra quân cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp sau mưa lũ - Ảnh: L.T

Huy động các lực lượng ra quân cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp sau mưa lũ - Ảnh: L.T

Bên cạnh cải tạo đồng ruộng, ngành cũng yêu cầu các địa phương phối hợp các đơn vị thủy nông khẩn trương sửa chữa các công trình thủy lợi cấp thiết kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Hiện các địa phương đang tập trung phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng với những công việc cụ thể như: Nạo vét kênh mương, cửa cống, cửa nhận nước, trạm bơm bị bồi lấp đảm bảo thông thoáng; đắp sửa, hàn gắn tạm thời bằng đất những đoạn kênh bị hư hỏng nhằm hạn chế thất thoát nước; sửa chữa các máy bơm, trạm bơm để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng để phục vụ vận chuyển giống, vật tư, phân bón. Rà soát, đánh giá cụ thể từng công trình theo mức độ hư hỏng, khả năng về tiến độ khắc phục, sửa chữa để từ đó khoanh vùng diện tích phục vụ nhằm có phương án cụ thể là chuyển đổi sản xuất với các loại cây trồng phù hợp khi không thể khắc phục, sửa chữa kịp thời công trình cấp nước phục vụ sản xuất hoặc căn cứ vào nguồn nước tại chỗ hiện có để có biện pháp công trình phù hợp như lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm phục vụ tạm thời vụ đông xuân 2020 - 2021.

Liên quan đến vấn đề thủy nông, sở cũng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi huy động mọi nguồn lực tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng công trình, đặc biệt là các cửa cống lấy nước đầu mối, cống lấy nước đầu kênh cấp 1, cấp 2. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, các công trình cấp nước sạch nông thôn bị hư hỏng, phân loại mức độ khẩn cấp để có phương án khắc phục tạm thời. Đồng thời đề xuất thứ tự ưu tiên đối với các công trình hư hỏng lớn để lồng ghép vào các chương trình, dự án và tận dụng các nguồn lực khác để khắc phục, sửa chữa đảm bảo phục vụ sản xuất lâu dài.

-Vấn đề đảm bảo nguồn giống đủ phẩm cấp để sản xuất vụ đông muộn 2020 và đông xuân 2020-2021 đang được người dân đặc biệt quan tâm bởi mưa lũ đã khiến nguồn giống trong dân bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vậy ngành đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để hỗ trợ nông dân, thưa ông?

- Qua tổng hợp nhu cầu về nguồn giống sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh cần khoảng 2.000 tấn lúa, 80 tấn ngô, hơn 20 tấn rau các loại. Ngoài ra, nông dân cũng cần giống sắn để trồng 10.500 ha sắn, giống lạc để trồng 3.000 ha lạc. Đến nay, trung ương đã hỗ trợ tỉnh 10 tấn giống ngô, 10 tấn giống rau, các nhà hảo tâm cam kết hỗ trợ 83,5 tấn lúa, 4 tấn ngô lai CP311... Tỉnh đang đề nghị trung ương hỗ trợ 2.000 tấn giống lúa, 80 tấn giống ngô, 10 tấn giống rau, trong đó dự kiến trung ương hỗ trợ khoảng 1.000 tấn lúa giống, cùng với lượng giống còn dự trữ trong dân và các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn có khoảng hơn 1.000 tấn. Về cơ bản sẽ đảm bảo đủ lượng giống lúa, ngô, rau cho người dân sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021. Tuy nhiên, khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là nguồn giống sắn và lạc vì hai loại giống này không có trong nguồn giống dự trữ quốc gia nên tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người dân, trước mắt cần khoảng 200 tấn lạc giống và 5.000 tấn hom giống sắn để sản xuất.

Đối với chăn nuôi, nhu cầu cần khoảng 1 triệu con giống gia cầm, 8.000 con giống gia súc các loại để khôi phục sau mưa lũ và cần khoảng 100.000 con lợn giống để thực hiện khôi phục lại đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua. Trước mắt, trung ương và các chương trình, dự án hỗ trợ 243.000 giống gia cầm nuôi thịt để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lũ; trung ương cũng hỗ trợ 30.000 lít hóa chất để xử lý môi trường chăn nuôi; 105 tấn Chlorine 65% để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Về giống gia cầm, Bộ Nông nghiệp&PTNT cũng giao sở 220.000 con gà giống 1 ngày tuổi để úm gà đạt 21 ngày tuổi nhằm đảm bảo chất lượng con giống cấp cho người dân khôi phục sinh kế sau thiên tai.

Về thủy sản, để khôi phục sản xuất nhu cầu cần khoảng 1.880 kg cá giống bố mẹ, 11,83 triệu con cá giống, 277,2 triệu con tôm giống và khoảng 200 tấn hóa chất xử lý môi trường nuôi tôm. Bộ Nông nghiệp &PTNT đã hỗ trợ và tổ chức thả 1.200 kg cá bố mẹ tại Trung tâm Giống Thủy sản Quảng Trị. Ngoài ra, HTX cá giống Đô Lương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ tỉnh 200 kg cá giống. Bộ Nông nghiệp & PNTNT đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị 10 triệu con tôm giống và 20 tấn thức ăn với tổng kinh phí 1,9 tỉ đồng. Tổng cục Thủy sản có Công văn số 2449/TCTS-NTTS ngày 7/12/2020 về việc triển khai hỗ trợ phục hồi sản xuất thủy sản sau thiên tai. Sở Nông nghiệp&PTNT đã lập danh sách các hộ dân/cơ sở để nhận hỗ trợ trong thời gian tới.

-Được biết, để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi sản xuất, Sở Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng phương án “Khôi phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020 -2021” trình UBND tỉnh. Đề nghị ông cho biết về nguồn kinh phí thực hiện sẽ được tính như thế nào?

-Để khôi phục hạ tầng và hỗ trợ nông dân tái sản xuất, cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, để khôi phục và tổ chức sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi cần lồng ghép, tranh thủ nhiều nguồn lực từ trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa cũng như phát huy nội lực trong Nhân dân.

Dự kiến kinh phí khôi phục khẩn cấp trước mắt cần trên 128 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 116 tỉ đồng (không tính phần hiện vật trung ương đã hỗ trợ và dự kiến sẽ hỗ trợ về các loại giống cây trồng và vật nuôi với trị giá ước trên 53,6 tỉ đồng). Trong 116 tỉ đồng ngân sách nhà nước có 29,3 tỉ đồng từ nguồn quỹ cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai của UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận để hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi; 86,5 tỉ đồng từ kinh phí trung ương hỗ trợ khẩn cấp các địa phương khắc phục hậu quả mưa, lũ và các nguồn vốn hợp pháp khác để cải tạo mặt bằng đồng ruộng; hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi lợn an toàn sinh học phục vụ tái đàn lợn; hỗ trợ mua tinh, vật tư phối giống nhân tạo cho bò; khắc phục các hệ thống thủy lợi phục vụ mở nước sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 và khắc phục khẩn cấp các công trình cấp nước sinh hoạt; còn lại người dân đóng góp trên 13,4 tỉ đồng.

Về lâu dài sở sẽ lập danh mục các đề án, dự án, kế hoạch phân loại mức độ, đề xuất thứ tự ưu tiên để lồng ghép vào các chương trình, dự án và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Đồng thời, tiến hành rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai đến tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

-Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154128