Chủ động cắt tỉa, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh
Là bộ phận của cấu trúc hạ tầng đô thị, hệ thống cây xanh không chỉ tạo cảnh quan, làm đẹp đường phố mà còn giúp cải thiện khí hậu, môi trường sống. Thời gian qua, bên cạnh việc trồng thêm nhiều cây, Hà Nội còn chú trọng quản lý, chăm sóc; rà soát, cắt tỉa bảo đảm an toàn cây xanh đô thị, đặc biệt trong mùa mưa bão. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng để tìm hiểu rõ hơn về công tác này.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng.
Đẹp - đồng đều - đa dạng
- Những năm gần đây mật độ cây xanh đô thị của Hà Nội không ngừng được cải thiện. Xin ông cho biết kết quả quản lý, phát triển hệ thống cây xanh của Hà Nội?
- Thời gian qua, chất lượng quản lý, duy trì, trồng mới cây xanh dọc các tuyến đường, phố, trong các khu đô thị, công viên... đã được nâng lên. Nhiều chủng loại cây đô thị được lựa chọn và trồng bảo đảm phù hợp về công năng, đáp ứng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Việc trồng mới, cải tạo và thay thế hệ thống cây xanh đô thị được thực hiện bài bản với phương châm “Đẹp - đồng đều - đa dạng”. Theo đó, ngày càng nhiều tuyến đường được đầu tư cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung hoàn thiện hệ thống cây xanh với mô hình đa tầng, đa tán, như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Kim Mã, Giảng Võ, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, đường Láng... tạo không gian xanh, cảnh quan đồng bộ.
- Ông có thể cho biết tổng số lượng cây xanh trên địa bàn Hà Nội hiện nay là bao nhiêu và công tác quản lý, duy tu, duy trì hệ thống cây xanh được thành phố thực hiện như thế nào?
- Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có hơn 1.850.000 cây xanh. Trong đó có hơn 200.000 cây bóng mát trên 931 tuyến đường, phố thuộc địa bàn 12 quận; khoảng 1.650.000 cây thuộc chủng loại cây đô thị, cây bóng mát trồng dọc tỉnh lộ, quốc lộ và trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, khu đô thị…
Sở Xây dựng được giao quản lý, duy trì đối với khối lượng cây xanh thành phố quản lý theo phân cấp, trong đó Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị trúng thầu thực hiện công tác duy tu, duy trì hệ thống cây xanh với khối lượng lớn nhất (tại các tuyến phố có tên trên địa bàn 12 quận và một số tuyến đường: Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công)... UBND các quận, huyện, thị xã quản lý hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường (chưa có tên trên địa bàn 12 quận) và các tuyến đường cấp huyện, các khu đô thị, khu dân cư, trụ sở cơ quan, đơn vị theo địa giới hành chính... Công tác kiểm tra cây bóng mát trên địa bàn được các đơn vị trúng thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố thường xuyên thực hiện. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện cây bóng mát bị chết, sâu mục ở thân, gốc, cây bị nghiêng, có nguy cơ gãy đổ sẽ được chặt hạ ngay để bảo đảm an toàn.
Tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh
- Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống cây xanh trong đô thị, song tai nạn từ cây xanh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão khiến không ít người dân lo lắng. Vậy, Hà Nội đã triển khai giải pháp gì để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão này, thưa ông?
- Bên cạnh tăng cường công tác quản lý, chăm sóc cây xanh, những năm gần đây, thành phố đặc biệt chú trọng rà soát, cắt tỉa bảo đảm an toàn cây xanh. Việc cắt tỉa được thực hiện thường xuyên, định kỳ nhằm hạn chế thấp nhất cây đổ, cành gãy bất thường, gây nguy hiểm đến người và tài sản. Trong đó, công tác cắt tỉa cây được phân thành 2 loại là: Cắt vén tán, nâng cao vòm lá, cắt cành khô, gỡ phụ sinh (thực hiện 2 lần/năm); cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao (thực hiện 1 lần/2 năm).
Từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc, phối hợp cùng các đơn vị trúng thầu duy trì cây xanh kiểm tra, rà soát hệ thống cây bóng mát, lập kế hoạch cắt tỉa, triển khai chặt
hạ ngay cây chết, cây bị nghiêng nguy hiểm... Sở Xây dựng cũng đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý, duy trì cây bóng mát trên địa bàn theo phân cấp; rà soát, kịp thời cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông, nặng tán, chặt hạ cây sâu mục...
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã cắt tỉa 30.300 cây. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa 14.955 cây trên 139 tuyến phố, 2 vườn hoa khu vực nội thành. Các đơn vị trúng thầu công tác duy trì hệ thống cây xanh khu vực các tỉnh lộ, quốc lộ cắt tỉa 14.345 cây. Nhiều đơn vị chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến; đầu tư phương tiện cắt, sửa cây xanh hiện đại như xe nâng Hallote, thực hiện cắt, tỉa cây thường xuyên.
- Xin ông cho biết những dấu hiệu, nguyên nhân và làm thế nào để xác định được cây xanh nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ?
- Cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ cao thường là những cây chết, già cỗi, bị mục gốc, mục thân, cây nặng tán, lệch tán - cong queo, cây lâu năm không được cắt sửa, cây có chiều cao lớn, rễ nổi... Trong một số trường hợp, việc xây dựng, phát triển đô thị khiến rễ cây bị xâm hại hay làm không gian sống của rễ cây hạn chế. Tuy nhiên qua kiểm tra, dễ dàng phát hiện cây có chiều cao lớn, nặng tán, lệch tán nhưng để phát hiện rễ cây có bị xâm hại rất khó khăn. Về cảm quan, có thể phát hiện cây, cành sâu mục khi thân cây xuất hiện lỗ, vỏ xuất hiện vết đen loang ra thân. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cũng đang được giao nhiệm vụ ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc theo dõi, phát hiện cây sâu mục.
- Mới đây, sự việc cây phượng tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh bị bật gốc làm một học sinh tử vong khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh lo lắng. Vậy, đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý cây xanh trong các trường học, thưa ông?
- Theo quy định, các trường học trực tiếp quản lý toàn bộ khuôn viên nhà trường, trong đó có hệ thống cây xanh, cây bóng mát. Về quản lý nhà nước, các đơn vị chủ quản của hệ thống trường học trên địa bàn quản lý theo phân cấp: Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý các trường trung học phổ thông; Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã quản lý các trường học từ cấp trung học cơ sở trở xuống. Các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên; phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý xử lý cây nguy hiểm.
Để chủ động hạn chế tối đa các sự cố, Sở Xây dựng cũng vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị rà soát hệ thống cây xanh trong các trường học; kịp thời xử lý cây có nguy cơ gây nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
- Nhà trường quản lý cây xanh trong khuôn viên, nhưng đơn vị này không có chuyên môn. Theo ông, cần thực hiện giải pháp gì để kiểm soát, bảo đảm an toàn cây xanh trong trường học, an toàn cho học sinh trong khi khuôn viên nhiều trường có cây lâu năm?
- Đối với các nhà trường không có đội ngũ chuyên trách, có thể liên hệ, phối hợp với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh trong khuôn viên; ký hợp đồng với đơn vị có chuyên môn để thực hiện công tác duy tu, duy trì cây xanh hằng năm. Theo tôi, chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh, định kỳ hạ độ cao, cắt tỉa cành cây, kịp thời phát hiện cây nguy hiểm để xử lý, chặt hạ là cách đơn giản, hiệu quả nhất để hệ thống cây xanh trường học được phát triển tốt và an toàn. Thực tế, đây cũng là công việc được thành phố Hà Nội chú trọng đẩy mạnh trong 4 năm trở lại đây, nhờ đó giảm thiểu tình trạng cây gãy, đổ, nhất là trong mùa mưa bão.
- Trân trọng cảm ơn ông!