Chủ động chống hạn vụ đông xuân

Bước vào tháng 1/2020, nông dân trong tỉnh bắt đầu làm đất gieo cấy vụ đông xuân, trong đó, việc chuẩn bị nước tưới được người dân và chính quyền chú trọng, tuy nhiên, tình hình hạn hán diễn biến phức tạp đang đặt ra không ít khó khăn.

Người dân Văn Bàn chuẩn bị đất gieo mạ vụ đông xuân.

Người dân Văn Bàn chuẩn bị đất gieo mạ vụ đông xuân.

Thôn Nậm Giá, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà có diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa/năm khá lớn. Thời điểm này, người dân bắt đầu làm đất cấy lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 nhưng việc làm đất phải cầm chừng vì thiếu nước. Đưa chúng tôi đi thăm các mương nước, Trưởng thôn Vùi Văn Cươi cho biết: Từ sau mùa mưa lũ năm 2015, mương nước của thôn bị sạt lở 3 đoạn, dài khoảng hơn 400 m, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Toàn hệ thống mương nước của thôn dài hơn 7 km, cung cấp nước tưới cho hơn 50 ha lúa trong thôn. Từ khi mương hỏng chỉ còn 30 ha phía đầu nguồn lấy được nước; hơn 20 ha còn lại một phần phụ thuộc vào nguồn nước mưa, một phần phải chuyển sang trồng ngô.

Theo ông Lèng Văn Chú, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, mương tại thôn Nậm Giá hư hỏng lớn là do thiên tai gây ra, xã không có kinh phí sửa chữa, UBND xã đã báo cáo lên huyện để xin kinh phí sửa chữa nhưng chưa được cấp.

Xã Bản Xen, huyện Mường Khương cũng là địa phương có diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa/năm lớn của huyện. Theo thống kê của ngành chức năng, vụ đông xuân năm nay, xã có 8 ha ruộng lúa bị thiếu nước tại thôn Phảng Tao (7 ha) và thôn Cốc Hạ (1 ha). Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen cho biết: Thôn Phảng Tao và thôn Cốc Hạ có địa hình chia cắt, mặc dù đã có hồ thủy lợi nhưng vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Hồ thủy lợi tại 2 thôn có diện tích mặt nước 1,8 ha, tuy nhiên lượng nước tích ở hồ thường chỉ đạt 60% nên không thể tưới đủ diện tích ruộng hiện có. Từ năm 2014, UBND xã đề nghị huyện đầu tư xây dựng hồ nước khoảng 30 - 50 ha mặt nước, nhưng sau khi khảo sát, đến nay đã qua 5 năm vẫn không thấy triển khai thi công.

Mương dẫn nước thôn Nậm Giá, xã Cốc Ly (Bắc Hà) hỏng chưa được sửa chữa gây thiếu nước nhiều diện tích lúa.

Mương dẫn nước thôn Nậm Giá, xã Cốc Ly (Bắc Hà) hỏng chưa được sửa chữa gây thiếu nước nhiều diện tích lúa.

Vụ xuân 2020, huyện Bảo Thắng cấy 1.924 ha lúa, hiện tại có hơn 108 ha bị hạn, trong đó 76 ha đang được người dân khắc phục, còn 32 ha phải chuyển sang trồng loại cây khác. Các xã, thị trấn có diện tích hạn nhiều là Phong Hải 12,4 ha; Xuân Quang 11,26 ha; Thái Niên 13,57 ha; Phú Nhuận 14,84 ha; Gia Phú 11,2 ha. Nguyên nhân được ngành nông nghiệp huyện xác định là do địa hình, độ che phủ rừng thấp dẫn đến nguồn sinh thủy từ các khe suối ngày càng cạn kiệt. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa những năm gần đây trên địa bàn thấp.

Trước thực trạng trên, ngành chức năng của huyện Bảo Thắng đã rà soát diện tích đất nông nghiệp và xây dựng phương án chống hạn. Bên cạnh việc huy động người dân tích trữ nước ở các ao hồ, nạo vét mương dẫn nước, điều tiết nước hợp lý, tránh thất thoát lãng phí, huyện đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lịch gieo cấy phù hợp với từng vùng. Các xã khó khăn về nguồn nước chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng phù hợp để tăng hiệu quả sản xuất. Cái khó của huyện là thiên tai đã gây thiệt hại lớn đối với hệ thống mương, hồ, đập, trong khi nguồn kinh phí dự phòng của huyện không đáp ứng được.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm 2019 - 2020, toàn tỉnh gieo cấy 10.201 ha lúa, nhiều nhất là tại các huyện: Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát. Theo phương án chống hạn của tỉnh, diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước khoảng 4.874 ha, trong đó diện tích có khả năng khắc phục là 521 ha. Hiện nay, người dân các địa phương đang trông chờ vào thời tiết để điều chỉnh diện tích sản xuất cho phù hợp.

Các vùng có nguy cơ bị hạn cao tập trung ở nơi chưa có các công trình thủy lợi hoặc có diện tích đất cấy lúa ít. Toàn tỉnh hiện có 1.136 công trình thủy lợi, 101 hồ chứa, 1.034 hệ thống kênh dẫn tự chảy, 1.000 mương nội đồng. Hệ thống mương dài 4.627 km (có 3.265 km đã được kiên cố). Hệ thống mương đang cung cấp nước tưới cho 44.785 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 38.223 ha lúa nước.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để đảm bảo việc chống hạn và sản xuất vụ đông xuân hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án chống hạn từ sớm, đồng thời rà soát nguồn nước, tích nước vào các hồ chứa. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã tuyên truyền kế hoạch sản xuất vụ xuân cho người dân nhằm nâng cao nhận thức sử dụng nước hợp lý, chuẩn bị các máy bơm sẵn sàng phục vụ vùng hạn. Đặc biệt, các địa phương chủ động đưa nước tưới ẩm cho đồng ruộng trước thời vụ cấy, áp dụng cấy lúa tiết kiệm nước SRI; chuẩn bị phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp khi gặp thời tiết bất lợi, không để diện tích canh tác bị bỏ trống.

Về kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi, ông Ngọc cho biết thêm: Ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã cấp cho các xã hơn 26 tỷ đồng để bảo dưỡng, sửa chữa mương. Toàn tỉnh hiện còn 1.362 km mương chưa được kiên cố, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư theo các chương trình hỗ trợ và xây dựng nông thôn mới để kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo sản xuất tại các địa phương.

Theo dự báo của đơn vị chức năng, từ tháng 12/2019 đến đầu năm 2020, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết trong tỉnh. Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, tại Lào Cai, lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình hằng năm từ 10 đến 30%, có khả năng gây thiếu hụt nước so với trung bình các năm từ 20 đến 40%. Do đó, để đảm bảo chống hạn, cùng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, nhân dân trong tỉnh cũng cần chủ động dự trữ nguồn nước và chủ động phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp, đảm bảo cho vụ đông xuân đạt kết quả cao.

Đức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/chu-dong-chong-han-vu-dong-xuan-z3n20200113082857245.htm