Chủ động 'chống nóng' cho tôm
Từ cuối tháng 5/2021 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục kéo dài. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sinh trưởng của động vật thủy sản nói chung, tôm nuôi nói riêng mà còn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và lây lan. Để ổn định sản xuất, cơ quan chuyên môn và các hộ nuôi tôm đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho tôm nuôi.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt và nhiệt độ ngoài trời luôn duy trì ở mức cao, những ngày này, các hộ nuôi nuôi tôm ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh phải thường xuyên túc trực bên cạnh ao nuôi của mình để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm, triển khai các biện pháp chống nóng như tăng cường chạy máy quạt nước, máy sục khí; che lưới cho ao nuôi; điều chỉnh lượng thức ăn; bổ sung thêm vitamin, khoáng chất… để giúp tôm nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Chung, một trong những hộ nuôi tôm với diện tích lớn ở thôn Phan Hiền cho biết, với hơn 3 ha diện tích nuôi tôm được thả nuôi từ 1 - 3 tháng, thời điểm này, hầu như anh luôn có mặt hằng ngày tại các ao nuôi để kiểm tra, điều chỉnh các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ kiềm trong nước và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tôm nuôi sinh trưởng.
Theo anh Chung, với nền nhiệt cao như những ngày vừa qua rất dễ làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột làm tôm nuôi bị sốc, nổi đầu hoặc phát sinh dịch bệnh. Do vậy, để tôm nuôi phát triển tốt, bên cạnh phải luôn duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,4 m trở lên và tăng cường chạy máy quạt nước để tránh chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước, anh còn điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Bón bổ sung thêm vôi nông nghiệp, các loại men vi sinh để ổn định môi trường ao nuôi, hạn chế khí độc đáy ao. Đặc biệt, để hạn chế tác động từ sự thay đổi đột ngột của môi trường, anh đã đầu tư một ao tròn lót bạt trong nhà lưới có diện tích gần 200 m2 để nuôi tôm theo quy trình 2 giai đoạn. Trong điều kiện nắng nóng, nuôi tôm trong nhà lưới sẽ giúp che nắng, ổn định được nhiệt độ nước ao. Ngoài ra còn giúp quản lý được lượng thức ăn, giảm thất thoát, đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt. “Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nên đến thời điểm này tôm nuôi trong các ao nuôi của gia đình đang phát triển tốt. Trong đó có ao nuôi tôm đã đạt kích cỡ dưới 50 con/kg, dự kiến sẽ xuất bán vào cuối tháng 6/2021 này”, anh Chung cho hay.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho hay, nuôi tôm là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của xã với tổng diện tích hơn 169 ha. Rút kinh nghiệm vụ nuôi tôm năm 2020, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột làm hầu hết diện tích nuôi tôm của xã bị chết do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, UBND xã đã chỉ đạo các HTX, các tổ nuôi tôm cộng đồng tuân thủ nghiêm khung lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Tôm giống thả nuôi phải được lấy từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ như các công ty Newway, Việt Úc, UP, CP…; vận động người nuôi tôm tăng cường áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn để giảm rủi ro. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng gay gắt, UBND xã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp chống nóng, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi như nâng cao mực nước ao nuôi; tăng thời gian sử dụng máy quạt nước, máy sục khí nhằm tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao; bổ sung thêm khoáng, vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; sử dụng men vi sinh để ổn định môi trường ao nuôi…
Huyện Triệu Phong là địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn với gần 575 ha, bao gồm nuôi tôm ở vùng triều và nuôi tôm trên cát. Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết, để hỗ trợ người nuôi tôm trong điều kiện thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, thả nuôi với mật độ hợp lý; áp dụng các biện pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán và biến động thời tiết để ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Phối hợp với Chi cục Thủy sản trong việc quan trắc môi trường nuôi để thông báo kịp thời đến người nuôi tôm khi nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Vận động người nuôi tôm tăng cường áp dụng các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao… để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm này toàn tỉnh đã thả nuôi được gần 2.800 ha thủy sản các loại, trong đó nuôi nước ngọt là gần 1.900 ha và nuôi mặn, lợ là 831 ha. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phạm Văn Hòa thông tin, trước dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản đã tham mưu xây dựng khung lịch mua vụ nuôi tôm; hướng dẫn người nuôi tôm chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị ao hồ, kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi, chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp. Dự trữ nguồn nước để kịp thời bổ sung cho các ao nuôi vào những này nắng nóng. Nuôi tôm theo quy trình 2, 3 giai đoạn; nuôi tôm trong nhà kính để giảm tác động của nắng nóng đến ao nuôi. Ông Hòa khuyến cáo, để tôm nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, người nuôi tôm cần lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Thực hiện ương giống trước khi thả nuôi thương phẩm. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3 1,5 m. Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp. Kiểm soát sự phát triển của rong, tảo trong ao nuôi. Cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm từ 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi.
Đối với những hộ nuôi có điều kiện nên tiến hành dùng lưới che nắng cách mặt nước từ 0,8 - 1 m để giảm ánh nắng tác động trực tiếp lên mặt nước ao nuôi… “Do tôm là động vật biến nhiệt nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh và chết hàng loạt. Trong khi theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết nắng nóng kéo dài vẫn còn tiếp tục xảy ra. Do vậy, các hộ nuôi tôm cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống. Đối với những ao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế thấp nhất rủi ro”, ông Hòa lưu ý thêm.