Chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Thời điểm cuối năm 2019 và đầu năm 2020 được dự báo là sẽ xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình sẽ xuống thấp so với cùng kỳ các năm trước. Do vậy để chủ động bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước những đợt lạnh khắc nghiệt, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhất là các địa phương khu vực miền núi đã và đang chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét.

Chuồng nuôi lợn tại xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) được lắp hệ thống đèn sưởi.

Hiện tại, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ diện tích cây trồng và đàn vật nuôi trong mùa đông.

Mùa đông năm nay đến muộn hơn so với các năm trước, song không vì thế mà người dân miền núi huyện Lang Chánh chủ quan trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với đối tượng con nuôi gia súc. Là hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên ngay từ đầu mùa đông, gia đình bà Lương Thị Của, xã Quang Hiến, đã chủ động che chắn chuồng trại xung quanh để tránh gió lùa; đồng thời, tích lũy đầy đủ nguồn rơm, cỏ khô dự trữ để làm thức ăn cho đàn bò, nên dù có mưa rét kéo dài bà vẫn không lo đàn bò của gia đình bị đói, rét.

Toàn huyện Lang Chánh hiện có hơn 300.000 con gia súc, gia cầm các loại. Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển ổn định trong mùa đông, cùng với việc xây dựng kế hoạch phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, UBND huyện Lang Chánh đã và đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lang Chánh phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi và diện tích cây trồng, như: Gia cố, che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm. Lưu ý người dân không chăn thả các loại gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C.

Để chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó lại với những đợt lạnh được dự báo sẽ xảy ra trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do ngoài trời khi thời tiết rét đậm, phải nhốt trong chuồng có kiểm soát. Có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi... Lưu ý đối với gia súc, gia cầm non cần phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi bảo đảm nhiệt độ trong ô úm từ 22-28 độ C. Qua kết quả kiểm tra tại các địa phương của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi cơ bản được bảo đảm. Tại các khu vực miền núi, các hộ dân đã cho gia súc về chăn thả ở khu vực gần nhà để chủ động nhốt vào chuồng nuôi và giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh.

Đối với diện tích cây trồng, để bảo đảm năng suất, chất lượng cần thực hiện che bạt, phủ ni lông trên những diện tích cây trồng ưa ấm, nhất là diện tích trồng các loại rau màu trái vụ. Đáng chú ý, chỉ còn thời gian ngắn nữa là các địa phương trong tỉnh bắt đầu gieo mạ để triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019-2020. Vì vậy, để bảo đảm diện tích gieo mạ phát triển tốt trong điều kiện giá lạnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã xây dựng phương án sản xuất. Theo đó, chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp chống rét cho mạ và chú ý tập trung vào các biện pháp, như: Che phủ ni lông trên 100% diện tích mạ đã gieo, rải tro và duy trì lượng nước trên ruộng để giữ ấm chân mạ...

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chu-dong-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi/111919.htm