Chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Những ngày gần đây nhiệt độ thấp nhất trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức từ 10 - 12 độ C, một số xã thuộc huyện Na Hang nền nhiệt thấp hơn từ 8 - 10 độ C. Hạn chế thiệt hại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân đã chủ động các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Chủ động chống rét cho cây trồng vụ đông, ngay từ khi làm đất gieo trồng, bà Nguyễn Thị Lãng, thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) đã tăng lượng phân chuồng bón lót, dùng nilon phủ lên luống, sử dụng các giống chịu lạnh. Bà Lãng cho biết, ngoài các biện pháp giữ ấm trên, những ngày rét đậm, rét hại bà còn tăng cường bơm tưới cho rau, dưa, giữ ổn định mức nước trong ruộng. Nhờ đó vườn rau, dưa của bà Lãng vẫn sinh trưởng phát triển tốt ngay cả khi nhiệt độ xuống thấp.

Bà Nguyễn Thị Lãng, thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương) sử dụng nilonvà bón phân chống rét cho dưa chuột.

Những ngày rét đậm, rét hại xảy ra, đàn trâu của các thành viên HTX Nông nghiệp Kim Quan (Yên Sơn) cũng được giữ lại chuồng để chăm sóc. Anh Thèn Văn Chung, thôn Kim Thu Ngà cho biết, gia đình đã dùng bạt bao quanh chuồng, tránh gió lùa, nền chuồng luôn được giữ khô ráo. Chế độ ăn, anh tăng tỷ lệ thức ăn thô xanh và tinh bột, cho trâu uống nước ấm pha chút muối. Anh còn tích trữ củi, trấu để phòng nhiệt độ xuống thấp đốt để sưởi ấm cho trâu.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rét đậm, rét hại xảy ra đúng vào thời điểm nhiều diện tích cây vụ đông vào chu kỳ thu hoạch; tổng đàn vật nuôi lớn nhất trong năm. Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, Sở đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo đơn vị, cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn người dân triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, với diện tích cây vụ đông cần tập trung thu hoạch để giảm thiểu tổn thất khi nhiệt độ xuống thấp, đồng thời giải phóng đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Các loại cây hoa, giống cây lâm nghiệp, bà con cần làm dàn, sử dụng nilon để che hạn chế sương muối gây táp lá. Không ngâm, ủ mạ khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C. Những diện tích nuôi trồng thủy sản, thực hiện khai thác thủy sản đạt kích cỡ, trọng lượng; di chuyển lồng bè vào khu vực nước sâu, khuất gió để tránh rét. Riêng đối với chăn nuôi, thực hiện che chắn chuồng trại, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để chế biến, dự trữ thức ăn cho vật nuôi; không thả rông trâu bò trên rừng, ngoài đồng trong những đợt rét đậm, nuôi nhốt đàn trâu bò tại chuồng để thuận lợi cho công tác chăm sóc và nuôi dưỡng. Với bê, nghé, lợn giống, gia cầm, thủy cầm mới vào đàn cần quây kín, thắp điện sưởi ấm.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh, thời tiết bất lợi, nhu cầu vận chuyển, buôn bán từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng rất cao, đây cũng là điều kiện để dịch bệnh phát sinh, lây lan. Do đó, mạng lưới thú y cơ sở cần phải tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, vùng giáp ranh, chợ buôn bán gia súc. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt không để dịch bệnh lây lan. Lưu ý các dịch bệnh dễ phát ra trong mùa đông như lở mồm long móng; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; bệnh cúm gia cầm; bệnh tai xanh... trên gia súc, gia cầm. Chống rét cho vật nuôi, bà con cũng cần đặc biệt lưu ý sử dụng thiết bị, biện pháp sưởi ấm phải đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, tránh tình trạng cháy, nổ xảy ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, từ tháng 12-2020 đến hết tháng 2-2021 sẽ có khoảng từ 10 đến 12 đợt rét đậm, rét hại; mỗi đợt có khả năng kéo dài từ 7-10 ngày. Hiện tượng sương muối, băng giá có thể xảy ra gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy bà con nông dân cần chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó để bảo vệ cây trồng, vật nuôi hạn chế thiệt hại.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chu-dong-chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-140279.html