Chủ động chuyển đổi để tăng năng suất cây trồng

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nông dân trong tỉnh Đắk Nông đã chủ động chuyển đổi giống, cây trồng, giúp sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, những diện tích cây trồng được chuyển đổi chủ yếu tập trung ở các huyện có nguy cơ thiếu nước, hạn hán cao như Tuy Đức, Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil...

 Nông dân xã Cư K’nia (Cư Jút) trồng khoai lang trên đất lúa, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/vụ

Nông dân xã Cư K’nia (Cư Jút) trồng khoai lang trên đất lúa, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/vụ

Tại những vùng có diện tích đất ruộng chuyển đổi, bà con nông dân được các ngành Nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp. Hầu hết diện tích đất chuyển đổi được nông dân sản xuất các loại cây ngắn ngày đạt hiệu quả khá cao. Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, nông dân các địa phương cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu giống và đạt kết quả tích cực.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2020 – 2021 ổn định hơn so với năm trước. Người dân sử dụng đa dạng các loại giống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và yêu cầu của thị trường.

Cụ thể, đối với giống lúa, người dân các địa phương đã lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng từ 120 ngày trở xuống nhằm hạn chế tình trạng hạn hán cuối vụ. Một số giống sử dụng phổ biến tại địa phương như: ST 24, HT 01, RVT, LCH 37, LTH 37, Đài thơm 8… Ước tỷ lệ giống lúa xác nhận, nguyên chủng trong vụ Đông Xuân năm nay đạt 60,78% trong cơ cấu giống. Trong đó, một số giống có tỷ lệ cao như RVT chiếm 19,35%, ST 24 chiếm 15,73%...

Đối với cây ngô, người dân đã chú trọng lựa chọn giống chống chịu hạn tốt, nhu cầu nước ít, kỹ thuật canh tác dễ, khả năng chống chịu sâu bệnh cao để trồng. Do đó, sau cây lúa, cây ngô trong vụ Đông Xuân được xem là cây "mũi nhọn", giúp ổn định an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người dân.

Sử dụng giống mới đã qua khảo nghiệm; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa; tăng vụ; thâm canh; xen canh... đã giúp người dân có thu nhập ổn định, tránh được rủi ro do hạn hán, thiếu nước gây ra.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Chân, để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, từ trong vụ mùa tới, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, với tổng diện tích hơn 270 ha.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp – PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và đối tượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Nếu hoạt động chuyển đổi cây trồng được thực hiện đúng định hướng, linh hoạt trong cách triển khai và phù hợp cho từng vùng, sẽ giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước phòng tránh ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, giảm bớt thiệt hại, giúp ổn định thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Thành Tâm

1,283

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/chu-dong-chuyen-doi-de-tang-nang-suat-cay-trong-85606.html