Chủ động đảm bảo giao thông thông suốt mùa mưa bão

Thảm nhựa mặt đường trên quốc lộ 29, đoạn qua huyện Sông Hinh. Ảnh: HỒ NHƯ

Mùa mưa bão sắp đến. Nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, Sở GT-VT đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai với mục tiêu: Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GT-VT xung quanh vấn đề này.

Dù các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, nhưng do sự tàn phá của thiên tai, cộng với lưu lượng các phương tiện có trọng tải lớn ngày càng tăng đã khiến nhiều tuyến đường đứng trước nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập nước gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

* Ông có thể cho biết các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh khi mùa mưa đến?

- Thời gian qua, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng do sự tàn phá của thiên tai, cộng với lưu lượng các phương tiện vận tải có trọng tải lớn ngày càng tăng, khiến nhiều tuyến đường đứng trước nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, thời gian mưa liên tục và kéo dài ngày (tập trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 12) đã làm hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... bị hư hỏng nặng. Trên quốc lộ 1, mưa lớn kéo dài khiến mặt đường thường xuyên phát sinh ổ gà, lún và gợn sóng trâu, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Nhiều đoạn trên quốc lộ 19C cũng sạt lở mái taluy dương, gây bồi lấp mặt đường khi có mưa lớn. Các tuyến ĐT641, ĐT642, ĐT643… thường xuyên ngập sâu trong nước. Ước tính tổng thiệt hại gần 29 tỉ đồng. Đơn vị bảo hành phải thường xuyên tổ chức đảm bảo giao thông, tập trung vá ổ gà trên mặt đường để các phương tiện qua lại an toàn.

Ông Nguyễn Phương Đông

Ông Nguyễn Phương Đông

* Vậy ngành GT-VT đã có những giải pháp gì để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm nay, thưa ông?

- Trên cơ sở những kinh nghiệm từ mùa mưa bão các năm trước, Sở GT-VT đã có nhiều biện pháp để xử lý cũng như đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong mùa mưa bão năm nay. Đơn vị đã xây dựng các phương án cụ thể, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xử lý khi xảy ra sự cố về hạ tầng giao thông.

Sở GT-VT đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và chuẩn bị vật tư, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khi xảy ra tình huống xấu. Các đơn vị thành viên Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm đơn vị thực hiện bảo trì đường bộ, đơn vị sản xuất vật liệu đá… đã tiến hành rà soát, đăng ký về số lượng vật tư (sắt thép, đá các loại, vật tư dự phòng lụt bão…), xe máy các loại. Từ đó, đơn vị tổng hợp, lên phương án điều động, xử lý, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ khi có yêu cầu của cấp trên. Đơn vị cũng đã rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt và thường xuyên bị hư hỏng, ách tắc giao thông trong mùa mưa bão để có phương án sửa chữa, xử lý khi thiên tai xảy ra.

Khi phát hiện sự cố về đường, Sở GT-VT giao nhiệm vụ cho đơn vị quản lý đường, các nhà thầu thi công phối hợp cùng các địa phương rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập lụt, tắc giao thông; đồng thời nhanh chóng khắc phục sửa chữa đảm bảo giao thông thông suốt tại những vị trí mặt đường sình lún, trơn trượt. Với phương châm 4 tại chỗ, ngành GT-VT tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, thiết bị thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến... để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.

* Công tác thi công sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường được triển khai như thế nào để đảm bảo mặt đường êm thuận, thưa ông?

- Công tác vá sửa các ổ gà, sình lún thuộc các gói sửa chữa thường xuyên được triển khai quyết liệt, đảm bảo xong trước mùa mưa lũ. Sở GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì tăng cường khai thông hệ thống thoát nước; thực hiện công tác phát quang cây cỏ trên lề đường, mái taluy dương để đảm bảo tầm nhìn xe chạy và hạn chế nguyên nhân gây sụt trượt mái taluy. Đồng thời, các đơn vị phải có giải pháp linh hoạt, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến quốc lộ ủy thác và tỉnh lộ phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý tại các đoạn tuyến có thể bị phong tỏa do dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị tham gia thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch COVID-19.

Các công trình đang thi công xây dựng trong thời gian mưa lũ phải tổ chức đảm bảo giao thông thông suốt, chủ động di chuyển các vật tư, thiết bị ra khỏi vùng ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt. Các hạng mục dừng thi công phải có điểm dừng hợp lý, đảm bảo an toàn.

* Xin cảm ơn ông!

HỒ NHƯ (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/356/263316/chu-dong-dam-bao-giao-thong-thong-suot-mua-mua-bao.html