Chủ động di dời dân và nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong ứng phó lũ quét, sạt lở đất
Sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung đã làm 111 người chết; thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ đồng.
Sáng 16/1, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” với sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung.
Hội thảo lần này nhằm đánh giá nguyên nhân tổng thể của lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung trong thời gian gần đây, đề xuất các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ giữa tháng 9 đến tháng 11/2020, khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi.
Trước mắt, ngay sau bão lũ, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, kịp thời chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Các cấp chính quyền đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống; chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà sập, trôi, sửa chữa các cơ sở y tế, trường học, điện, đường giao thông,… đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tuyệt đối không để người dân đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đồng thời các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung; kết quả điều tra nguyên nhân chủ yếu gây lũ quét, sạt lở đất; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất; đề xuất các giải pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo (AI),…
Theo thống kê, trong đợt mưa lũ năm 2020, tình trạng sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung đã làm 111 người chết, mất tích, trong đó tỉnh Quảng Trị 32 người; Thừa Thiên Huế 33 người; Quảng Nam 46 người; Quảng Ngãi xảy ra nhiều đợt lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về tài sản nhưng không có thiệt hại về người.
Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 30.000 tỷ đồng.