Chủ động điều tiết nước hợp lý, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ xuân
Theo số liệu của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo trồng được trên 15.400 ha lúa (đạt 100% kế hoạch), làm cỏ lần 1 trên 1.700 ha, (trên 11% diện tích), các địa phương đã trồng trên 7.600 ha ngô, (đạt 42% kế hoạch); trên 2.500 ha lạc (đạt trên 80% kế hoạch). Hiện tại, lượng nước tích trên các hồ chứa cao hơn so với cùng kỳ, bảo đảm lượng nước phục vụ trên 90% diện tích gieo trồng lúa vụ xuân.
Công trình hồ Rộc Bách, xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) được sửa chữa, nâng cấp năm 2019 nhằm đảm bảo, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi, trong khoảng trung tuần tháng 3, đầu tháng 4 dự báo có thể xảy ra thiếu nước tại một số diện tích vùng ngoài công trình như khu vực huyện Lương Sơn với diện tích có khả năng xảy ra hạn hán khoảng 135 ha, TP Hòa Bình khoảng 10 ha.
Đồng chí Bùi Thế Đừng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) cho biết: Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm nay, phường gieo cấy 27 ha lúa. Thời điểm này, cây lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh, đứng cái, vì vậy, địa phương đã tích cực chỉ đạo các xóm, thôn cùng nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây lúa. Hiện lượng nước đảm bảo cho sản xuất gần 100 % vì vừa có 1 cơn mưa khá lớn đã làm tăng mực nước tại các hồ, đập. Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương lơ là, chủ quan trong việc chỉ đạo người dân sử dụng, điều tiết nước sản xuất, bởi thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. UBND phường đã chỉ đạo cán bộ thủy lợi tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, tiến hành khơi thông các dòng chảy, đảm bảo cho nước về đồng ruộng, góp sức cùng địa phương quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý các nguồn nước; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, điều tiết nước sản xuất hợp lý, đảm bảo cung cấp tưới cho lúa và cây màu. Đồng thời, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa thiếu nước tưới sang trồng các loại cây màu.
Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, đảm bảo nguồn nước tưới dưỡng để cây trồng sinh trưởng tốt, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện Văn bản số 131 của Sở về chủ động điều tiết nước hợp lý, phù hợp với kế hoạch sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ xuân năm 2020. Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ nước hồ, đập, đảm bảo tích đủ nước. Chuẩn bị điều kiện cần thiết như máy bơm, xăng, dầu để chủ động nước tưới cho các loại cây trồng, nhất là lúa đã cấy cũng như các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản. Bố trí sản xuất phù hợp với nguồn nước tưới, đồng thời triển khai biện pháp tích trữ nước từ mọi nguồn, mọi phương tiện. Căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng đảm bảo cấp nước để tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ xuân, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không đảm bảo cung cấp trong thời gian sản xuất.
Cùng với việc hướng dẫn khung lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, Sở khuyến cáo các địa phương cân đối, tính toán diện tích xuống giống phù hợp với lượng nước tưới trong hồ, đập. Đối với diện tích cây ăn quả ở vùng chưa có nguồn nước ổn định, các địa phương chủ động lắp đặt bổ sung trạm bơm dã chiến, lưu ý biện pháp ủ gốc để giữ ẩm nhằm tránh bốc thoát nước trong điều kiện nắng nóng. Khuyến cáo người dân sử dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tránh lãng phí để nước chảy tràn lan khi đã đủ lượng nước trong đồng ruộng như nông-lộ-phơi, SRI, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa…
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 1.995 công trình thủy lợi. Trong đó, 1.345 công trình đã được xây dựng kiên cố, gồm 544 hồ chứa nước, 26 trạm thủy luân, 80 trạm bơm điện. Thời điểm này, hệ thống có khả năng cung ứng nước cho gần 90% diện tích gieo cấy toàn tỉnh và khoảng 45% diện tích cây trồng hàng năm. Tuy nhiên, trong năm 2019 có 236 công trình thủy lợi bị xuống cấp, ảnh hưởng do thiên tai, làm giảm khả năng trữ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung tu sửa, đối với những hư hỏng nhỏ cần chủ động khắc phục tại chỗ, những hư hỏng lớn ngoài khả năng của địa phương báo cáo cơ quan chức năng để có kế hoạch sửa chữa kịp thời. Đồng thời, huy động lực lượng, phối hợp cùng người dân nạo vét các kênh dẫn, hồ đập, phát quang bờ mương kịp thời để đảm bảo việc đưa nước đến đồng ruộng, chủ động triển khai các giải pháp chống hạn khi xuất hiện hạn hán.
Dự kiến trong thời gian sớm nhất, Sở NN&PTNT sẽ thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi từ đầu mối đến kênh mương để rà soát diện tích có nguy cơ hoặc đang xảy ra hạn hán, tình hình nguồn nước tại các địa phương. Từ đó có phương án hợp lý để chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh thời vụ, kế hoạch sản xuất, có kế hoạch điều tiết, sử dụng, trữ nước đảm bảo cho tưới dưỡng cây trồng trong toàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ có những biến đổi thất thường, bên cạnh việc chú trọng điều tiết, sử dụng nước hợp lý, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần tăng cường cảnh báo về dịch hại mùa màng. Tích cực tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ít ô nhiễm môi trường, đảm bảo VSATTP đối với sản phẩm từ trồng trọt.