Chủ động định hướng giá trị để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng trong thời kỳ mới

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, định hướng phát triển con người và xã hội theo những chuẩn mực giá trị của chủ nghĩa xã hội khoa học và văn hóa Việt Nam cần được coi trọng, là nền tảng bảo đảm để đất nước luôn ổn định và phát triển bền vững. Đó cũng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đang đặt ra cấp thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng trong thời kỳ mới.

Theo Mác - Ănghen, tiêu chí cơ bản đánh dấu sự phát triển của con người và xã hội từ "Vương quốc của tất yếu" sang "Vương quốc tự do" là trong cuộc sống và hoạt động luôn có định hướng giá trị đúng đắn. Khoa học quản lý hiện đại coi định hướng giá trị là yếu tố quan trọng hàng đầu để điều khiển một cách khoa học sự vận động phát triển của con người và xã hội. Định hướng giá trị đối với sự phát triển của con người và xã hội là tiêu chí quan trọng về tự do của quốc gia, dân tộc có độc lập chủ quyền.

Định hướng giá trị đã và đang là vấn đề trung tâm nổi lên rất phức tạp trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) cho chúng ta bài học sâu sắc về vấn đề này. Giáo sư Michio Kaku đã có lý khi cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến "Thảm họa địa - chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX" là do: "không có người cầm lái, không có một cương lĩnh hay một hệ tư tưởng chỉ đạo ngoài chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bè phái, sự say đắm chủ nghĩa tư bản đến ngây thơ và không thực tế…”1.

Chúng ta không thể coi thường sự nguy hiểm của "cuộc xâm lăng mới về văn hóa", khi các thế lực thù địch lợi dụng quá trình đất nước ta đẩy mạnh mở cửa, hội nhập giao lưu với thế giới để ra sức truyền bá, áp đặt những "giá trị văn hóa" của Mỹ và phương Tây tư bản chủ nghĩa, mưu toan làm phai nhạt những giá trị văn hóa của dân tộc, phủ nhận những chuẩn mực giá trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nên sự tha hóa về tư tưởng, từ đó làm chuyển hóa chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Trong sự vận động của xã hội Việt Nam hiện nay đã và đang xuất hiện những sai lệch chuẩn mực giá trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáng chú ý là những sai lệch về chính trị - tư tưởng. Không ít người ảo tưởng, cả tin có thể dựa vào tư bản chủ nghĩa để làm cho "dân giàu, nước mạnh" mà quên mất lời cảnh tỉnh của V.I. Lênin: "Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác ẩn đằng sau những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị"2.

Cũng có khuynh hướng tuyệt đối hóa kinh tế và khoa học công nghệ hiện đại, coi nhẹ vai trò của hệ tư tưởng và định hướng giá trị đối với sự phát triển của con người và xã hội. Chúng ta không thể chấp nhận thái độ hư vô, thờ ơ về chính trị, cho rằng "khỏi cần một thứ chủ nghĩa nào cả, miễn sao được giàu có và tự do"(!). Đó chính là biểu hiện con người non kém về bản lĩnh và trí tuệ, mất phương hướng trong lựa chọn hệ chuẩn mực giá trị, dẫn tới bị nhiễm triết lý sống tư sản mà cốt lõi là chủ nghĩa cá nhân thực dụng cực đoan.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 8/2024. ẢNH: QUANG VINH

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 8/2024. ẢNH: QUANG VINH

Chúng ta cần cảnh giác trước những tác động của "diễn biến hòa bình" và ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, làm cho không ít người bị cuốn hút vào vòng xoáy của chủ nghĩa cá nhân cơ hội, thực dụng; đáng chú ý là sự chuyển hóa từ cơ hội, thực dụng về kinh tế sang cơ hội, thực dụng về chính trị, từ tha hóa về đạo đức và lối sống sang tha hóa về chính trị - tư tưởng. Những sai lệch chuẩn mực giá trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa thúc đẩy "tự diễn biến" trong nội bộ, thực sự là nguy cơ lớn đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng trong thời kỳ mới, cần chủ động định hướng giá trị đối với sự phát triển của con người và xã hội, nhất là định hướng chính trị - tư tưởng. Trước hết, cần đặc biệt coi trọng bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh ở mỗi con người và trong cộng đồng dân tộc. Trong hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là bậc thang cao nhất, bao trùm và chi phối đời sống tinh thần của dân tộc.

Trong lý tưởng đạo đức - thẩm mỹ của người Việt Nam, cái cao đẹp nhất là lòng yêu nước thương nòi; thần tượng thiêng liêng và bền vững nhất là thần tượng anh hùng nghĩa sĩ xả thân hy sinh vì dân, vì nước. Theo dòng lịch sử, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được lưu truyền và phát triển qua các thế hệ, có sức sống mãnh liệt và luôn tỏa sáng, là dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, định hướng và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để dựng nước và giữ nước.

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước gắn kết khát vọng giải phóng dân tộc với xu thế của thời đại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có sự phát triển về chất từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên chủ nghĩa yêu nước kiểu mới - chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là chủ nghĩa yêu nước mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, được định hướng và thể hiện tập trung ở lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng đó phản ánh đúng đắn quy luật phát triển của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời kết tinh khát vọng tự giải phóng và vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử dân tộc.

Do đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh có được sức mạnh mới trong định hướng, quy tụ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược nếu tách rời độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ra sức tranh đấu để chứng minh và khẳng định một chân lý khách quan của thời đại: "Chỉ có con đường chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân trên thế giới"3.

Thực tiễn cũng chứng minh và khẳng định hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được định hướng bởi lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc ta đã đoàn kết một lòng vượt qua những chặng đường đầy gian khổ hy sinh, những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử, đánh thắng những thế lực xâm lược lớn, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giành độc lập tự do và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta tiếp tục vượt qua "cơn lốc lớn" làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ), thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Trong thời kỳ mới, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần được bồi đắp và phát triển lên tầm cao mới. Trước đây trong chiến tranh giải phóng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam định hướng và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ tư tưởng thống nhất giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, với khát vọng "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Ngày nay, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần định hướng và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ tư tưởng thống nhất độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với khát vọng "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Để chủ động định hướng giá trị cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng lý luận khoa học cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của con người và xã hội Việt Nam đương đại.

Kế thừa và phát triển những giá trị tư tưởng - lý luận trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có những thuộc tính bản chất vượt trội so với các học thuyết xã hội đương thời. Đó là sự thống nhất biện chứng lý luận với thực tiễn, tính cách mạng triệt để với tính khoa học và tính nhân văn sâu sắc, được không ngừng bổ sung và phát triển từ thực tiễn sinh động. Bản thân tấm gương về bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của các nhà tư tưởng có sức cảm hóa và thuyết phục rất to lớn. Không phải ngẫu nhiên sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, về cuối đời nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã đúc kết trong tác phẩm "Xã hội chủ nghĩa": muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải kén chọn chủ nghĩa cho vững vàng, chủ nghĩa đích thực là chủ nghĩa Mác - Lênin, ngoài ra chớ có nhận nhầm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: "Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề thì phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin". Người cũng chỉ dẫn: "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình"4. Cái tinh thần ấy chính là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, là nền tảng tư tưởng của kiểu nhân cách có bản lĩnh và trí tuệ mà con người Việt Nam cần có để phát triển.

Cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng lý luận khoa học, chúng ta cần tăng cường giáo dục về lịch sử và truyền thống, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ am hiểu những quy luật phát triển và những giá trị tiêu biểu trong lịch sử văn minh nhân loại, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Không thể chấp nhận thái độ cực đoan quay lưng lại với lịch sử, không biết trân trọng kế thừa và phát triển những thành tựu tư tưởng - lý luận, những giá trị văn hóa mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.

Quá trình định hướng giá trị không dừng lại ở nâng cao nhận thức về những quy luật và giá trị của cuộc sống; điều quan trọng nhất là làm cho mỗi người tự giác tiếp nhận những chuẩn mực giá trị, chuyển hóa thành những thuộc tính bền vững trong nhân cách, thành năng lực tự định hướng và điều chỉnh thái độ, hành vi của mình để xử trí đúng đắn những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chung - riêng.

Có như vậy, con người mới thực sự "sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình". Điều này đòi hỏi những chuẩn mực giá trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải được quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa trong các chiến lược phát triển, các chương trình hành động, được xã hội hóa sâu rộng trong các tổ chức xã hội và hoạt động xã hội, nhất là các cuộc vận động và các phong trào có ý nghĩa giáo dục sinh động và sâu sắc như phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…"; đồng thời, cần chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, khắc phục những biểu hiện suy thoái về chính trị - tư tưởng, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, việc chủ động định hướng giá trị trực tiếp góp phần bồi dưỡng, nâng cao tố chất chính trị - tinh thần vững mạnh của con người và xã hội, tạo nên động lực tinh thần to lớn - yếu tố vượt trội trong sức mạnh tổng hợp của dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.

Chú thích:

1. Michio Kaku - "Không có sữa và mật ong trong tương lai của Liên Xô", Tuần báo Mỹ "Người bảo vệ" ngày 11/9/1991.

2. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1980, tập 23, tr. 57.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tập 1, tr. 9.

4. Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb. Sự thật, tập II, H.1980, tr. 105.

ĐỖ THỊ VÂN AN - Thạc sĩ, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ

và Nghiên cứu khoa học Mặt trận

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/chu-dong-dinh-huong-gia-tri-de-nang-cao-chat-luong-va-hieu-qua-cong-tac-tu-tuong-trong-thoi-ky-moi-58171.html