Chủ động đổi mới, nâng cao năng lực xuất khẩu

Năm 2021 khép lại với những biến động, khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh khi chịu sự tác động của dịch Covid-19. Năm 2022 với mục tiêu mới về kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh Bình Phước, gác lại những nỗi lo của năm cũ, ngay từ đầu năm, các DN xuất - nhập khẩu trong tỉnh đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh; cơ cấu sản phẩm nhằm ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường mới có hiệu quả, góp phần cùng tỉnh hoàn thành kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu năm 2022.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú chuyên sản xuất than gáo dừa xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông và châu Âu. Năm 2021, hoạt động xuất khẩu của công ty ít nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sang năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, không chỉ sản xuất đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, DN này đã có tính toán sản xuất với những đơn hàng phù hợp năng lực và thế mạnh của mình, tăng tốc sản xuất đáp ứng những đơn hàng ở thị trường mới nhằm tạo ra giá trị gia tăng ở mức tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Lưu Huyền, Giám đốc công ty chia sẻ: “Chúng tôi đã chủ động đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường; tính toán lại các khâu trong quy trình sản xuất; tập trung ứng dụng công nghệ mới. Năm nay, ngoài thị trường tiềm năng, truyền thống, chúng tôi cũng sẽ khai thác những thị trường mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất”.

Sản xuất than gáo dừa xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông và châu Âu của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú - Ảnh: Trương Hiện

Công ty TNHH MTV C&T Vina, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành chuyên sản xuất vải sợi xuất khẩu. Đầu năm 2022, công ty đã tích cực đổi mới, cải tiến về mẫu mã, nâng cao kỹ thuật, tranh thủ tìm kiếm thị trường mới. Ngay những tháng đầu năm, công ty đã có các đơn hàng giá trị từ các thị trường khó tính. Ngoài tăng tốc sản xuất, đơn vị đang chuẩn bị đầu tư thêm các dây chuyền, lên kế hoạch tuyển dụng thêm công nhân lao động để đáp ứng các đơn hàng. Anh Bùi Công Hoàng, Phòng xuất - nhập khẩu công ty cho biết: “Hiện công ty đang sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, các đơn hàng khá ổn định. Mỗi tháng chúng tôi thực hiện 50-60 tờ khai hải quan. Muốn đạt kế hoạch sản xuất trong năm nay, công ty phải khẳng định sản phẩm của mình vào các thị trường mới, thị trường truyền thống để sẵn sàng bứt tốc.

Ngay trong quý 1/2022, nhiều DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Bình Phước đã tăng tốc cho những đơn hàng xuất khẩu. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tăng tốc sản xuất được xem là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Bình Phước đang trên đà phục hồi trở lại sau đại dịch. Đối với nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới như: dệt may, giày da… các DN tập trung cho những đơn hàng đã ký với sản lượng vượt kế hoạch từ 5-10%, đồng thời xúc tiến những đơn hàng mới tiếp theo.

Nỗ lực chinh phục mục tiêu mới

Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 6.274 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hơn 3.317 triệu USD. Năm 2022, tính đến hết ngày 31-3, đã có 376 DN tham gia làm thủ tục hải quan; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt hơn 1.322 triệu USD. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. “Hoạt động xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra rất thuận lợi. Điều đó có lợi rất nhiều đối với công ty, đó là không làm gián đoạn sản xuất, hoạt động sản xuất diễn ra đều đặn, liên tục” - chị Trần Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại - xuất nhập khẩu Đại Phát, thị xã Phước Long chia sẻ.

Công ty TNHH MTV C&T Vina, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc chuyên sản xuất vải sợi xuất khẩu - Ảnh: Trương Hiện

Để kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt kết quả như thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của DN, tỉnh cũng tập trung đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, chủ lực vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, thị trường tiềm năng để mở ra các thị trường mới. Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất - nhập khẩu được tăng cường, như: Tổ chức tiếp xúc, đối thoại với DN; thành lập tổ tháo gỡ khó khăn cho DN; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để DN tháo gỡ khó khăn; tiếp cận vốn vay, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất... Ngoài ra, các ngành chức năng cũng đã thể hiện quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho người dân và DN. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: “Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức các cuộc đối thoại hải quan - DN, tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN với tinh thần coi DN là đối tác hợp tác trên cơ sở lắng nghe giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất - nhập khẩu của DN đúng theo quy định của pháp luật”.

Ngành hải quan nói chung và Cục Hải quan tỉnh nói riêng đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Cục Hải quan tỉnh đã thiết lập hệ thống tiêu chí phân luồng hàng hóa để kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý. Qua đó, tạo điều kiện cho những DN làm ăn chân chính được nhanh chóng, thuận lợi trong việc làm thủ tục thông quan các lô hàng xuất - nhập khẩu của mình.

Ông Nguyễn Văn Ngàn,
Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Phước

Năm 2022, Bình Phước phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ 850 triệu USD. Bình Phước cũng sẽ tập trung củng cố và mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thị trường. Song song đó, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường đầu tư, triển khai sản xuất sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Anh Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132263/chu-dong-doi-moi-nang-cao-nang-luc-xuat-khau