Điện Biên: Xóa nghèo, nhờ trồng chanh leo

Tận dụng những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm gần đây xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã tập trung phát triển cây chanh leo thành cây trồng mũi nhọn theo hướng hàng hóa. Hiện nay, cây chanh leo ở Si Pa Phìn đang hứa hẹn là cây trồng xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

Chủ trương “đúng”

Có dịp tìm hiểu về các mô hình trồng chanh leo tại địa bàn xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, chúng tôi được người dân nơi đây cho biết, bước đầu cây chanh leo đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Cuộc sống của người dân trồng chanh leo đã từng bước được cải thiện.

Sở dĩ có được những kết quả này, xuất phát từ một chủ trương đúng, mà Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đóng vai trò quyết định. Trước đó, nhằm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển vùng nguyên liệu triển khai mô hình trồng cây chanh leo, cây quế; phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2023 - 2025”. Trong đó, chú trọng trồng và phát triển cây chanh leo tại xã Si Pa Phìn…

Từ quan điểm chỉ đạo, không chỉ là khẩu hiệu, tuyên truyền “suông”, phải có mô hình để người dân tham quan, học hỏi. Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo triển khai phát triển cây chanh leo, khuyến khích, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là cấp ủy viên các cấp; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các xã trong việc tham gia xây dựng, thực hiện mô hình để người dân làm theo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng viên đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong triển khai mô hình trồng cây chanh leo. Hiện trên địa bàn xã Si Pa Phìn có gần 10 mô hình trồng cây chanh leo do cán bộ, đảng viên làm chủ. Từ diện tích trồng gần 4.000m2, sau hơn 7 tháng, hiện nay cây chanh leo đã bắt đầu cho thu hoạch, xuất bán với giá thành từ 10.000 đến 15.000 đồng/1kg. Mô hình của đảng viên Vàng A Lồng, ở bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn đã và đang thu hút đông đảo người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Tính đến thời điểm đầu tháng 7-2024, tổng diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Si Pa Phìn đã đạt gần 42ha.

Người dân bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ thu hoạch chanh leo.

Người dân bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ thu hoạch chanh leo.

Để phát triển vùng trồng cây chanh leo hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết vùng trồng; đề xuất hướng phát triển đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các quy hoạch khác có liên quan. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và sử dụng hiệu quả, đúng quy định; tăng cường mô hình liên kết sản xuất thông qua hình thức cung ứng trước vật tư, cây giống hoặc vốn cho người sản xuất. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Tổ chức cho các hộ dân đi học tập, tham quan trực tiếp tại các địa phương có mô hình đang triển khai hiệu quả để áp dụng phù hợp với thực tiễn địa bàn.

Và hiệu quả bước đầu

Đón chúng tôi tại vườn chanh leo của gia đình mình, chị Lò Thị Uyên, ở bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn vui vẻ giới thiệu về cây chanh leo bằng tất cả niềm say mê. Chị Uyên kể: Nhận thấy diện tích đất nương trồng sắn kém hiệu quả, nên tháng 10-2023, gia đình chị đã cải tạo, chuyển sang trồng 6.000m2 cây chanh leo. Sau khi được hỗ trợ kinh phí mua giống, làm giàn, gia đình chị đã tự bỏ kinh phí 20 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước.

Để vườn chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, chị Uyên đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào chăm sóc, tuân thủ quy trình kỹ thuật, không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học… Hiện cây chanh leo đã cho thu hoạch lứa đầu với 1 tấn quả và vẫn đang tiếp tục cho thu hoạch. Với giá bán dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, gia đình chị Uyên đã dần hoàn vốn.

Có mặt tại vườn cây chanh leo của gia đình ông Vàng A Hờ, ở bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn, chúng tôi ghi nhận, các cây chanh leo đang bắt đầu cho thu hoạch. Chỉ tay về phía những cây chanh leo sai trĩu quả, ông Vàng A Hờ, chia sẻ: “Trồng chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô nhiều. Thời điểm này, gia đình vẫn đang tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, để cây chanh leo cho quả to, đẹp đạt chất lượng cao”. Theo ông Hờ, với 1 ha chanh leo cùng giá bán ở thời điểm hiện tại, thu nhập ổn định hơn trồng lúa, ngô. Hiện trên địa bàn xã Si Pa Phìn đã có gần 40 hộ dân chuyển đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo.

Người dân trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo.

Người dân trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo.

Để cây chanh leo có hướng phát triển ổn định, huyện Nậm Pồ đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh leo trên địa bàn; đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chanh leo...

Bài, ảnh: THÙY BIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dien-bien-xoa-ngheo-nho-trong-chanh-leo-783742