Chủ động đối phó hiểm họa hồ chứa nước mất an toàn
Ngoài nhiệm vụ chính là tưới cho cây trồng, các hồ chứa nước còn có nhiệm vụ cắt lũ trong mùa mưa, bão, cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi thủy sản, cải tạo môi trường sinh thái trong vùng... Bên cạnh những lợi ích to lớn, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, đang là 'con dao hai lưỡi' không thể xem thường. Nếu chỉ lơ là trong quản lý, nhất là trong mùa mưa, bão thảm họa vỡ đập xảy ra sẽ rất khó lường...
Hồ Bai Mạ (xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành), đập đất xói lở mái thượng lưu; cống lấy nước hư hỏng toàn bộ, chỉ tích được một phần nước theo thiết kế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạch Thành cho biết, đến đầu tháng 8-2019, UBND các xã trên địa bàn huyện Thạch Thành quản lý 52 hồ, đập thủy lợi, hàng năm đảm nhận tưới cho gần 1.155 ha/vụ. Các hồ, đập do địa phương quản lý, hầu hết được xây dựng từ năm 1980 trở về trước, phần đầu mối được xây dựng, hệ thống kênh mương gần như chưa có. Các năm vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn một số hồ, đập trên địa bàn như hồ Ngọc Hón, hồ Đá Mài (xã Thành Tân), hồ Châu Sơn (xã Thạch Bình), hồ Bai Sao, (xã Thạch Tượng), hồ Đồng Kết (xã Thành Vân), hồ Hón Nâu (xã Thành Vinh),... đã được nâng cấp, cải tạo, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và dân sinh. Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Thạch Thành quản lý, khai thác 12 hệ thống công trình (CT) hồ, đập. Do được xây dựng cơ bản đồng bộ từ hệ thống đầu mối đến kênh mương và được tu sửa thường xuyên nên các hệ thống CT này đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất khá tốt, bảo đảm tưới cho gần 3.000 ha cây trồng/vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng chục hồ chứa bị hư hỏng, trong đó 19 hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng phổ biến như đập đất thấp, mặt cắt nhỏ, mái thượng lưu, hạ lưu bị sạt lở; tràn, cống hư hỏng, lòng hồ bồi lắng,... không an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão, chỉ tích được một phần nước theo thiết kế, thậm chí có CT như hồ Eo Cuội (xã Ngọc Trạo) không tích được nước, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều người dân trên địa bàn rất lo lắng về sự xuống cấp của các CT này...
Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành xác định phát huy nội lực, phát động nhân dân góp công sức thường xuyên làm thủy lợi nội đồng và mặt ruộng; huyện và các xã đầu tư vốn sửa chữa, khắc phục tạm thời các hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nhỏ; các xã có hồ, đập đã chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương và điều tiết nước tưới hợp lý... cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Trước mắt, huyện đã rà soát, chủ động chuyển đổi một số diện tích lúa không có nguồn nước hoặc có nguồn nước nhưng không chắc chắn sang trồng các loại cây chịu hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Các xã quản lý hồ, đập đã xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện... ứng phó cụ thể với các sự cố xảy ra trong mùa mưa, bão; có phương án tích nước hợp lý với từng CT. Huyện chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành một số CT hồ, đập bảo đảm an toàn phục vụ sản xuất trong mùa mưa, bão. Về lâu dài, huyện đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, cho biết: Hiện tại, toàn tỉnh có 610 hồ chứa, trong đó có 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt là hồ Cửa Đạt, do Bộ NN&PTNT quản lý, 29 hồ chứa nước lớn, còn lại là hồ chứa nước nhỏ. Riêng 44 hồ do các công ty khai thác CT thủy lợi quản lý về cơ bản đã được đầu tư vốn nâng cấp, bảo đảm an toàn với điều kiện mưa gió diễn ra bình thường theo thiết kế. Trong các năm vừa qua, bằng nguồn vốn đảm bảo an toàn hồ chứa của Chính phủ đã có hàng chục hồ chứa nước ở khu vực trung du, miền núi đã được sửa chữa, nâng cấp và làm mới, đã đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn trữ nước trong mùa mưa, bão và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, hiện tại toàn tỉnh vẫn còn 131 hồ chứa nước (theo thiết kế phục vụ nước tưới cho gần 4.000 ha cây trồng), chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh,... đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có 15 hồ chứa không được tích nước, 116 hồ chỉ tích một phần nước. Các CT này đang bị hư hỏng toàn bộ cống, thiết bị đóng mở, cống bị lùng mang, lùng đáy, đập đất bị sạt lở, thấm mạnh, phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy,... không phục vụ sản xuất theo thiết kế hoặc chưa bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng theo kế hoạch. Các hồ chứa nước nêu trên không phát huy được nhiệm vụ của CT theo thiết kế không những gây bất lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường trong mưa lũ.
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là hầu hết các hồ thủy lợi ở tỉnh ta được xây dựng từ những năm 1960 đến 1970 (bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhân dân đóng góp, các tổ chức tài trợ...), cống, tràn đều làm tạm, thời gian sử dụng đã lâu, ảnh hưởng của thiên tai nên xuống cấp rất nghiêm trọng. Hơn nữa, do cơ chế quản lý thay đổi, từ năm 1995 đến nay không còn vốn trợ cấp thủy lợi nhỏ để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cũng “góp phần” làm cho nhiều hồ, đập hư hỏng nhanh, khả năng tích nước kém, hiệu quả phục vụ sản xuất thấp. Thực tế ở nhiều huyện, xã CT được giao cho các tổ hợp tác, HTX dịch vụ thủy lợi quản lý, vận hành, chủ yếu vận hành theo kinh nghiệm. CT hư hỏng nhỏ thì huyện, xã và người dân đã chủ động góp kinh phí, công sức sửa chữa. Đối với CT hư hỏng lớn, xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi nguồn vốn lớn để khắc phục đang là khó khăn đối với các địa phương.
Để sẵn sàng đối phó, ngăn chặn có hiệu quả kể cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi có mưa to, lũ lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố hồ, đập gây ra, các công ty khai thác CT thủy lợi, địa phương cần có phương án chuẩn bị phòng, tránh lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, vật tư và hậu cần tại chỗ) thật chi tiết, bảo vệ an toàn cho từng hồ chứa nước cụ thể, đặc biệt đối với các hồ, đập đang thi công dở dang và hồ xuống cấp nghiêm trọng trong mọi tình huống. Các địa phương thường xuyên kiểm tra hồ, đập để phát hiện hư hỏng, tùy theo mức độ hư hỏng, không có khả năng tích nước thì không được tích nước hoặc chỉ tích một phần nước. Cần nâng cao cảnh giác, sơ tán dân sống gần những con đập có nguy cơ vỡ. Ngoài việc đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên cho công tác sửa chữa, nâng cáp các hồ chứa nước hiện có vì đồng vốn chi cho sửa chữa, nâng cấp CT thủy lợi sẽ tạo ra lợi nhuận nhanh hơn và lớn hơn rất nhiều so với đồng vốn xây dựng các CT thủy lợi mới. Các địa phương phát huy nội lực, huy động sức dân sửa chữa CT hư hỏng nhỏ. Muốn làm được điều đó cần có một tổ chức quản lý gồm đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo, có tinh thần trách nhiệm, được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về vật chất kỹ thuật để các đơn vị chức năng thực hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa CT nhằm bảo vệ và phát huy tốt hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, giữ nguồn nước cho các hồ, đập phục vụ sản xuất và dân sinh.