Chủ động đối phó và khắc phục sạt lở đất khu vực miền núi

Theo báo cáo của UBND các xã, hiện nay trên các sông, suối khu vực miền núi có 58 vị trí đang diễn biến sạt lở bờ sông, bờ suối, trong đó chủ yếu tập trung trên tuyến sông Mã. Trên địa bàn khu vực miền núi có hàng chục xã có nguy cơ từ cao đến rất cao xảy ra sạt lở đất, đá. Thực tế trong những năm vừa qua, đặc biệt là do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều vụ sạt lở đất đá, gây thiệt hại lớn, điển hình như: sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú; sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS&THPT Như Xuân; sạt trượt đồi Lung Đạc (xã Thiết Ống); sạt lở đất mái kênh chính Cửa Đạt (đoạn qua xã Nguyệt Ấn); sạt lở đất tại các xã Kim Tân, Thành Vinh; sạt lở đồi đất tại xã Na Mèo; sụt lún đất, nứt khu dân cư xã Trung Hạ...

Nhà thầu gấp rút thi công xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc (xã Thiết Ống).

Nhà thầu gấp rút thi công xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc (xã Thiết Ống).

Để chủ động đối phó và khắc phục sạt lở đất, bờ sông, bờ suối, nhất là các vụ sạt lở đất do mưa lũ sau bão số 3, số 4 năm 2024 gây ra, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố 13 tình huống khẩn cấp về sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Sở Tài chính đã bố trí kinh phí để các địa phương khắc phục ngay hậu quả thiên tai. Ngoài ra, đối với các vị trí sạt lở bờ sông, bờ suối còn lại, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 3/11/2023 của UBND tỉnh).

Điển hình như tại khu vực đồi Lung Đạc (xã Thiết Ống), do ảnh hưởng của mưa bão năm 2024, bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, tài sản của một số hộ dân trên địa bàn. Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ và ngân sách huy động đối ứng, công trình xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc đã được triển khai thi công từ tháng 1/2025.

“Thực hiện mục tiêu cơ bản hoàn thành, đưa công trình vào phòng, chống lụt, bão năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Bá Thước đã phối hợp với địa phương vận động Nhân dân ủng hộ, sớm giải phóng mặt bằng cho nhà thầu thi công. Bố trí cán bộ, kỹ sư lên công trường chỉ đạo, giám sát kỹ thuật, chất lượng từng hạng mục công trình. Chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, vật lực; có giải pháp chủ động khắc phục khó khăn như một số vật liệu xây dựng khan hiếm, giá tăng cao, nền đất yếu do khu vực xử lý sạt trượt mưa nhiều, đẩy nhanh tiến độ thi công đồng bộ các hạng mục xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc. Đến đầu tháng 7/2025, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính như phá đá, xúc đổ đất đá sạt lở, gia cố vùng sạt lở... Dự kiến đến hết tháng 7/2025 sẽ hoàn thành công trình xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc, đưa vào sử dụng sớm hơn kế hoạch (theo kế hoạch đến tháng 1/2026 hoàn thành xử lý sạt trượt đồi Lung Đạc). Công trình đưa vào sử dụng giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân trong thôn Khung và an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 217 đoạn qua xã Thiết Ống” - ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Bá Thước, chia sẻ.

Đối với các loại hình thiên tai như lũ quét và sạt lở đất hiện nay vẫn chưa có công nghệ có thể dự báo được, chỉ có các bản tin cảnh báo. Để đảm bảo an toàn trước sạt lở đất, lũ quét, công tác phòng ngừa các loại hình thiên tai nêu trên là giải pháp hữu hiệu nhất. Trước mắt, các ngành, các xã đã và đang rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ven sông, suối để điều chỉnh, cập nhật các phương án ứng phó thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán, di dời dân phù hợp; đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân dân. Các địa phương, đơn vị được giao thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đưa người dân đến nơi ở an toàn. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, công trình giao thông. Khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở và khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai. Chủ động thanh thải vật cản dòng chảy trên sông, suối, hệ thống giao thông để phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ quét.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-doi-pho-va-khac-phuc-sat-lo-dat-khu-vuc-mien-nui-254675.htm