Chủ động đối phó với nguy cơ xảy ra khô hạn cây trồng ở khu vực miền núi và trung du
Đến tháng 1-2020, Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Thạch Thành quản lý, khai thác 12 hệ thống công trình (CT) hồ, đập tại huyện Thạch Thành, do được xây dựng cơ bản đồng bộ từ hệ thống đầu mối đến kênh mương và được tu sửa thường xuyên, đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất khá tốt, bảo đảm tưới cho gần 3.000 ha cây trồng/vụ.
Hồ Cống Khê (tại thị trấn Ngọc Lặc) do Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Ngọc Lặc quản lý đã tích đủ nước theo kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn nước tưới cho sản xuất vụ chiêm xuân năm 2020 gặp nhiều khó khăn do nhiều hồ, đập thủy lợi các xã trên địa bàn huyện quản lý hư hỏng nặng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cho biết, hiện tại UBND các xã thuộc huyện Thạch Thành quản lý 52 hồ, đập thủy lợi, hàng năm đảm nhận tưới cho gần 1.155 ha/vụ. Các hồ, đập do địa phương quản lý, hầu hết được xây dựng từ năm 1980 trở về trước, phần đầu mối được xây dựng, hệ thống kênh mương gần như chưa có. Các năm vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn một số hồ, đập trên địa bàn như hồ Ngọc Hón (xã Thành Tân), hồ Châu Sơn (xã Thạch Bình), hồ Bai Sao (xã Thạch Tượng), hồ Đồng Kết (thị trấn Vân Du), hồ Hón Nâu (xã Thành Vinh),... đã được nâng cấp, cải tạo, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến tháng 1-2020, trên địa bàn huyện có hàng chục hồ chứa bị hư hỏng, trong đó 19 hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng phổ biến như đập đất thấp, mặt cắt nhỏ, mái thượng lưu, hạ lưu bị sạt lở; tràn, cống hư hỏng, lòng hồ bồi lắng... không an toàn, chỉ tích được một phần nước theo thiết kế, thậm chí có CT như hồ Eo Cuội (xã Ngọc Trạo) không tích được nước, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành xác định phát huy nội lực, phát động nhân dân góp công sức thường xuyên làm thủy lợi nội đồng và mặt ruộng; huyện và các xã đầu tư vốn sửa chữa, khắc phục tạm thời các hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nhỏ; các xã có hồ, đập đã chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương và điều tiết nước tưới hợp lý,... cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Trước mắt, huyện rà soát, chủ động chuyển đổi một số diện tích lúa không có nguồn nước hoặc có nguồn nước nhưng không chắc chắn sang trồng các loại cây chịu hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Các xã quản lý hồ, đập đã xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện... ứng phó cụ thể với các sự cố CT xảy ra; có phương án tích nước hợp lý với từng CT...
Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cho biết: Hiện tại, toàn tỉnh có 610 hồ chứa, trong đó có 1 hồ chứa nước quan trọng, đặc biệt là hồ Cửa Đạt, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, 29 hồ chứa nước lớn, còn lại là hồ chứa nước nhỏ. Riêng 44 hồ do các công ty khai thác CT thủy lợi quản lý về cơ bản đã được đầu tư vốn nâng cấp, xử lý thấm phía hạ lưu, sửa chữa tràn, cống lấy nước, bảo đảm an toàn với điều kiện mưa gió diễn ra bình thường theo thiết kế. Trong các năm vừa qua, bằng nguồn vốn đảm bảo an toàn hồ chứa của Chính phủ đã có hàng chục hồ chứa nước ở khu vực trung du, miền núi đã được sửa chữa, nâng cấp và làm mới, đã đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn tích nước và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, hiện tại toàn tỉnh vẫn còn 131 hồ chứa nước (theo thiết kế phục vụ nước tưới cho gần 4.000 ha cây trồng), chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh,... đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có 15 hồ chứa không được tích nước, 116 hồ chỉ tích một phần nước. Ngoài ra, hiện tại, có 20 hồ chứa nước (phục vụ tưới cho 480 ha) có mực nước dưới mực nước chết. Các CT này đang bị hư hỏng toàn bộ cống, thiết bị đóng mở, cống bị lùng mang, lùng đáy, đập đất bị sạt lở, thấm mạnh phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy,... không phục vụ sản xuất theo thiết kế hoặc chưa bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng theo kế hoạch.
Các hồ chứa nước nêu trên không phát huy được nhiệm vụ của CT theo thiết kế, gây bất lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.
Hiện tại, 12 CT thủy lợi đang thi công dở dang, chưa đủ điều kiện tích nước. Tình trạng nêu trên chính là nguyên nhân dẫn đến vụ chiêm xuân năm 2020, vùng tưới bằng hồ, đập nhỏ ở khu vực miền núi và trung du tỉnh ta theo dự báo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vào thời điểm thời tiết nắng nóng có khoảng 4.500 ha có khả năng xảy ra thiếu nước, khô hạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các công ty khai thác CT thủy lợi trên địa bàn trước mắt phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước tại các hồ để có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây màu ít sử dụng nước. Thực hiện triệt để biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới luân phiên trên tất cả các hệ thống, điều tiết nguồn nước hợp lý, ưu tiên dành nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới. Thường xuyên theo dõi, phát hiện hư hỏng để sửa chữa kịp thời, chống rò rỉ mất nước ở các cống lấy nước hồ chứa. Về lâu dài ngoài việc đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên cho công tác sửa chữa, nâng cấp các hồ đập nhỏ hiện có. Các địa phương phát huy nội lực, huy động sức dân sửa chữa CT thủy lợi hư hỏng nhỏ. Muốn làm được điều đó cần có một tổ chức quản lý gồm đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo, có tinh thần trách nhiệm, được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về vật chất kỹ thuật để các đơn vị chức năng thực hiện quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa CT nhằm bảo vệ và phát huy tốt hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo đảm cân bằng sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, giữ nguồn nước cho các hồ, đập phục vụ sản xuất và dân sinh.