Chủ động đón EVFTA

Dự kiến từ tháng 8 tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (viết tắt EVFTA) chính thức được thực thi. Đây được xem là cơ hội để ngành thủy sản bứt phá. Tuy nhiên, nếu muốn nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp với luật chơi.

Khi EVFTA được thực thi, hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 đến 10 năm; trong đó, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu sẽ được cắt giảm thuế ngay hoặc trong lộ trình ngắn. Điều này tạo điều kiện giúp nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng EU, với dân số hơn 500 triệu người.

Bên cạnh cơ hội lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thị trường EU có yêu cầu hàng rào kỹ thuật cao về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác IUU; khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp; tiêu chuẩn bền vững về môi trường… Theo đánh giá của các chuyên gia, các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có cơ hội lớn tăng thị phần tại thị trường khó tính này. Đây là cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như: Thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, tiêu và các sản phẩm đồ gỗ, nhất là trong giai đoạn nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Ngoài ra, khi EVFTA thực thi, cơ hội thu hút đầu tư từ EU vào nông nghiệp Việt Nam cũng được mở ra, đi kèm với đó là chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, sản xuất. Điều này sẽ giúp tăng trưởng sản lượng, chất lượng nông, lâm, thủy sản, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại rất lớn, nhưng không phải vì vậy sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có thể ồ ạt xuất khẩu vào EU; ngược lại, chỉ những hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực cạnh tranh mới có thể xuất khẩu hiệu quả vào thị trường này. Trước hết, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường… mà EU quy định. Muốn vậy, người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương phải kịp thời nắm bắt, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là xây dựng mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm; doanh nghiệp cần đầu tư vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Một điều quan trọng nữa là ngành nông nghiệp phải tham mưu cho UBND tỉnh về định hướng để phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU, thu hút nguồn vốn từ EU đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

BÍCH LA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202007/chu-dong-don-evfta-8175749/