Chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão
Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường với nhiều hình thái thiên tai cực đoan thường xuyên xảy ra, để chủ động các phương án ứng phó, ngay từ đầu năm 2021, Sở Công Thương đã chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cho công tác dự trữ hàng hóa năm nay... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường với nhiều hình thái thiên tai cực đoan thường xuyên xảy ra, để chủ động các phương án ứng phó, ngay từ đầu năm 2021, Sở Công Thương đã chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cho công tác dự trữ hàng hóa năm nay nhằm cung ứng bảo đảm về số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTT, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, cũng như gian lận thương mại lợi dụng thiên tai để thu lợi bất chính làm ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Dự trữ hàng hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTT, do đó Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra. Đồng thời, phối hợp với các địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu vực ven sông, ven biển, những địa bàn đặc thù dễ bị chia cắt, cô lập khi mưa lũ xảy ra để thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ và bình ổn giá cả. Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa PCTT năm 2021 được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ”, do các doanh nghiệp đầu mối tại địa phương đảm nhận ngắn hạn từ 5 đến 10 ngày sau khi thiên tai xảy ra (theo tình hình thực tế thiệt hại của thiên tai). Nguồn hàng để cung ứng khi có thiên tai xảy ra được các doanh nghiệp cam kết bảo đảm đầy đủ về số lượng lẫn chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố lũ lụt, bão lớn xảy ra trên địa bàn. Toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tham gia dự trữ và cung ứng hàng hóa với các mặt hàng gồm: hàng hóa phục vụ công tác hộ đê, PCTT, khôi phục sản xuất nếu như xảy ra bão lũ như nhiên liệu xăng dầu, chất đốt, vật liệu xây dựng (tấm lợp, đinh vít, dây thép buộc), nhà bạt, áo phao cứu sinh, phao tròn, phao bè, đá hộc, bao tải, cây tre...; hàng hóa đáp ứng nhu cầu dự trữ lương thực (gạo), thực phẩm công nghệ chế biến sẵn (mì tôm, lương khô, bánh mì, nước uống đóng chai...), thuốc men và các nhu yếu phẩm. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đầu mối đã chuẩn bị dự trữ khoảng 725 tấn gạo; 9.500 thùng lương khô; 50 nghìn thùng mì ăn liền, 3.410 thùng nước uống đóng chai, 14 tấn bánh các loại; 2.000m3 xăng và 2.500m3 dầu các loại; 500 tấm tôn lợp, 10 tấn đinh vít, 2 tấn dây thép buộc các loại… Trong đó hệ thống siêu thị BigC tham gia dự trữ hàng hóa PCTT với khối lượng lớn gồm 25 nghìn thùng mì ăn liền, 6.000 thùng lương khô, 10 tấn gạo, 2.000 thùng nước đóng chai, 10 tấn lương thực, thực phẩm khác. Cùng với đó, các siêu thị Co.opMart, chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+, Công ty TNHH thương mại Mai Phương (thành phố Nam Định)… sẵn sàng nguồn hàng và phương tiện cung ứng hàng hóa cho người dân trong trường hợp có thiên tai xảy ra. Đồng thời cam kết giữ ổn định, bình ổn giá, như: khuyến mãi, giảm giá sâu cho từng nhóm hàng hóa ở từng thời điểm cụ thể để chủ động hỗ trợ người dân trong thiên tai.
Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa dự trữ, Sở Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập toàn bộ hệ thống kho chứa hàng hóa; chuẩn bị các phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Sở Công Thương còn định hướng cho các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ trong kho, tại các đại lý, các cửa hàng bán lẻ ở trung tâm các huyện và cụm xã các vùng sâu vùng xa, những khu vực dễ bị chia cắt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là khu vực hay xảy ra ngập úng, bị chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ. Theo đó, khi có thiên tai xảy ra, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tập trung cung ứng cho người dân gồm: mì ăn liền, phở ăn liền các loại; bánh ngọt; nước uống đóng chai; muối i-ốt; dầu hỏa… Sau lũ lụt, bão, phương án chuyển sang cung ứng mặt hàng thiết yếu bao gồm: gạo, muối, tấm lợp, xăng dầu, đinh vít, dây thép và một số vật liệu khác phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hóa, không để tình trạng nâng giá, tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ngoài ra, Sở Công Thương còn xây dựng nhiều phương án cung ứng hàng hóa theo các tình huống giả định có bất ngờ ngoài dự kiến; phối hợp với các tỉnh lân cận trong khu vực luân chuyển hàng hóa đảm bảo không để thiếu hàng cục bộ gây “sốt giá” ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bên cạnh việc dự trữ, phân luồng cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường.
Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý… các loại hàng hóa thiết yếu được dự trữ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và việc khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão, lũ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương