Chủ động duy trì các hoạt động dạy học và phòng, chống dịch bệnh

Năm học mới 2020-2021 sắp khai giảng trong tình hình COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường; cũng là năm học đầu tiên chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đối với lớp 1. Để rõ hơn về kế hoạch dạy, học đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn bà LÊ THỊ HƯƠNG, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.

-Thưa bà! Chuẩn bị khai giảng năm học mới trong tình hình tỉnh Quảng Trị chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19, vậy ngành Giáo dục của tỉnh đã chuẩn bị những kịch bản/phương án nào để dạy và học chung với dịch bệnh?

-Trong tình hình COVID-19 trên địa bàn vừa được kiểm soát nên ngành GD&ĐT chủ động triển khai nhiệm vụ năm học theo kế hoạch đảm bảo quy trình khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tất cả các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các quy trình phòng, chống dịch bệnh như trong thời gian qua sở đã chỉ đạo nhằm đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường vào dịp khai giảng năm học mới. Chú trọng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó tập trung tập huấn cho giáo viên tiếng Anh, giáo viên phụ trách giảng dạy khối 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay từ đầu năm 2020, ngành Giáo dục đã tham mưu triển khai xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học lớp 1 đáp ứng cho các trường triển khai dạy chương trình lớp 1.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tổ chức lễ khai giảng theo tinh thần trang trọng nhưng ngắn gọn. Nếu tổ chức khai giảng tập trung thì phải đảm bảo giãn cách; nếu không đủ hội trường hoặc sân trường rộng thì có thể ưu tiên khai giảng tập trung cho các em học sinh đầu cấp, để các em có niềm vui ngày khai giảng đầu tiên ở ngôi trường mới. Trong điều kiện khó khăn hơn thì có thể tổ chức khai giảng trong từng lớp học. Điều quan trọng là làm sao để học sinh và giáo viên cảm nhận được ý nghĩa của ngày đầu tiên bước vào năm học mới.

-Năm học 2019-2020 có nhiều biến động do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học. Vậy những khó khăn ngành gặp phải để hoàn thành nhiệm vụ năm học và bài học rút ra là gì, thưa bà?

-Năm học vừa qua, nhất là sau Tết Nguyên đán 2020, do COVID - 19 xảy ra nên phải chuyển sang dạy học trực tuyến để đảm bảo vừa chống dịch, vừa an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, tại vùng khó khăn như các huyện miền núi trên địa bàn chưa có đủ thiết bị để đáp ứng yêu cầu dạy, học trực tuyến của giáo viên và học sinh. Số học sinh đã học tập trực tuyến cấp THCS khoảng 58,9%; cấp THPT có khoảng 92%. Nếu năm nay dịch bệnh kéo dài và có diễn biến khó lường dẫn đến phải dạy trực tuyến thì việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 sẽ rất khó khăn, không hiệu quả.

Đối với giáo viên, học liệu dạy học trực tuyến như sách giáo khoa điện tử; bài giảng điện tử; học liệu điện tử; câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo quy định còn gặp nhiều khó khăn. Phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến đã được tích hợp trên mạng xã hội học tập Viettel Study nhưng chưa đáp ứng được số lượng nhiều người tổ chức dạy và học cùng một lúc (kiểm chứng qua năm học 2019-2020) nên nhiều giáo viên lựa chọn phần mềm khác (như Zoom) để tổ chức dạy học, do đó khó đảm bảo tính bảo mật trong quá trình thực hiện.

 Học sinh Trường THPT Vĩnh Linh bước vào năm học mới -Ảnh: TÚ LINH

Học sinh Trường THPT Vĩnh Linh bước vào năm học mới -Ảnh: TÚ LINH

Đối với ngành, khó khăn gặp phải là quản lý việc tổ chức dạy học trực tuyến khi giáo viên không thực hiện dạy học trực tuyến trên Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (ví dụ như Viettel Study mà Sở GD&ĐT đã phối hợp với Viettel Quảng Trị thực hiện trong năm học vừa qua). Ngoài ra cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.

Để ứng phó với khó khăn trên, đối với năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo nếu dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì công tác dạy học trực tuyến được tiếp tục triển khai nhằm đảm bảo tiến độ chương trình của Bộ GD&ĐT. Trong đó cần lưu ý điều tra số lượng học sinh có thiết bị để tham gia học trực tuyến, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin nơi học sinh ở để đảm bảo việc học tập trực tuyến; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; lập phương án dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp khi học sinh không thể đến trường. Cán bộ quản lý, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, dạy học trực tuyến. Tập trung nguồn lực, đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học trong tình hình vừa dạy học, vừa chống dịch. Mục tiêu đặt ra, dù dạy học theo phương án nào cũng phải đảm bảo mục tiêu chất lượng và hiệu quả.

-Vượt lên trên những khó khăn do COVID-19 gây ra, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành, bà có thể cho biết về kết quả đạt được trong năm học vừa qua ?

-Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách địa phương để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã phát huy tác dụng, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của ngành. Trong đó nổi bật là tham mưu HĐND tỉnh ban hành cơ chế phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giai đoạn mới và Đề án cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch trong trường học; Đề án phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh.

Công tác chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai tích cực với quyết tâm cao. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Sở GD&ĐT và các sở, ngành, địa phương đã, đang tích cực phối hợp, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trọng tâm là triển khai đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Trước những diễn biến khó lường của COVID-19, ngành GD&ĐT đồng thời triển khai hai nhiệm vụ trọng tâm là duy trì các hoạt động dạy học, giáo dục và phòng, chống dịch bệnh với tinh thần bình tĩnh, chủ động, không bị động. Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ và phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT từ sở đến cơ sở đã linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành thích ứng với tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh có những chủ trương kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học và chỉ đạo, hỗ trợ triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch và đi học trở lại. Tổ chức các hoạt động dạy học qua internet, truyền hình bước đầu đạt hiệu quả. Hoàn thành chương trình học kỳ II và năm học 2019-2020; bảo vệ an toàn về sức khỏe cho học sinh, giáo viên và cán bộ làm nhiệm vụ thi; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1).

Sở đã tích cực phối hợp với các địa phương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo kế hoạch của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã sáp nhập, hợp nhất các cơ sở giáo dục công lập, giảm 99 đầu mối, đạt tỉ lệ 93,4% so với kế hoạch. Kết thúc năm 2019, ngành GD&ĐT đã hoàn thành đạt 3/3 chỉ tiêu cơ bản của tỉnh; chỉ số cải cách hành chính toàn ngành GD&ĐT đạt 86,91/100 điểm, xếp thứ 5/20 sở, ban, ngành; chỉ số hoàn thành nhiệm vụ toàn ngành đạt 92,29/100 điểm, được UBND tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng thứ 2/20 sở, ngành.

-Mỗi năm học ngành GD&ĐT thực hiện một điểm nhấn, vậy bà có thể cho biết điểm nhấn trọng tâm của năm học mới 2020-2021 là gì?

-Tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục Quảng Trị lựa chọn chủ đề năm học 2020 - 2021 là: “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Triển khai thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong toàn ngành.

Tích cực triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 1, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình mới (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo). Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (hợp phần quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị). Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục. Chuẩn bị tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2021.

-Xin cảm ơn bà!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151164