Chủ động giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

Là địa phương có mật độ dân cư, dân số lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc phát triển sản xuất, giúp thành phố có những bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn tồn tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm len lỏi trong các khu dân cư và ý thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, đã gây tác động xấu đến môi trường. Do đó, phải xử lý dứt điểm các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động 'Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước'.

Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng

Chú trọng phân loại rác thải

Theo thống kê, mỗi ngày, người dân TP. Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn. Trong đó, một lượng lớn bị xả ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, làm tắc nghẽn các đường thoát nước, dẫn tới ngập nặng mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường. Mỗi năm, thành phố phải chi hơn 3.400 tỷ đồng cho công tác thu gom xử lý rác và duy tu hệ thống thoát nước. Trong đó, có gần 700 tỷ đồng chi cho việc quét rác và hơn 700 tỷ đồng để vớt rác trên sông, kênh, rạch.

Tại Hội nghị chuyên đề Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19.10.2018 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; đại diện các quận và TP. Thủ Đức chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc phân loại rác thải tại nguồn, mức xử phạt và đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Song song với đó, một số mô hình hay, hiệu quả cũng được các đơn vị chia sẻ như tổ tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường; lưới chắn rác chia thành từng khu vực trên các kênh tại quận Tân Bình.

Đơn cử, tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, các lực lượng xung kích của phường vẫn thường xuyên ra quân dọn dẹp những nơi phát sinh rác thải; kiểm tra, xử lý tình trạng xả thải bừa bãi. Tuy vậy, ở những nơi có xe chạy liên tục như cầu, đường lại rất khó kiểm tra. Hay tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, việc lắp camera để giám sát đã phần nào ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi của người dân. Đến nay, toàn phường đã gắn gần 400 camera; trong đó, có những khu phố gắn hơn 100 camera, phần lớn kinh phí do người dân đóng góp. Song, vẫn còn tồn tại tình trạng người dân vãng lai vứt rác bừa bãi, công tác truy thông tin gặp khó khăn.

Đánh giá cao sự chủ động và kết quả bước đầu các đơn vị trong công tác quản lý môi trường và quản lý chất thải rắn, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh khẳng định, các địa phương cần nắm chắc đặc điểm, những vấn đề còn tồn đọng, xác định được nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp để giải quyết việc xử lý rác thải. Thời gian tới, các đơn vị cần chủ động tham mưu vấn đề đầu ra của rác thải đã phân loại.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra Hướng dẫn việc phân loại rác thải tại nguồn theo 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) được thực hiện theo khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường thì TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND ngày 4.5.2021, phân loại theo 2 nhóm là nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Người dân TP. Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu vì thành phố xanh, sạch và giảm ngập nước
Nguồn: ITN

Đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm

Thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh đã quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có địa điểm di dời, cải thiện môi trường chung của thành phố.

Đơn cử, tại huyện Bình Chánh, trong 8 tháng đầu năm, huyện kiểm tra 263 cơ sở sản xuất, kinh doanh; đã di dời 26 cơ sở, ban hành 93 quyết định xử phạt hành chính hơn 4,1 tỷ đồng, thực hiện xong 42 trường hợp với hơn 980 triệu đồng, còn 5 trường hợp đang củng cố hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế thi hành. Bên cạnh đó, UBND huyện đã tiếp nhận và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND xã, thị trấn kiểm tra, xử lý 33/33 trường hợp phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường, trong đó, giải quyết thông tin phản ánh qua báo chí là 8/8 trường hợp. Riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc A đã kiểm tra, giải quyết 7/7 trường hợp, trong đó, thông tin phản ánh của báo chí 3/7 trường hợp.

Mặc dù vậy, tại huyện Bình Chánh và nhiều quận, huyện khác đang gặp tình trạng thiếu quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ sở tái chế phế liệu và cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; trong khi đó, một số dự án đầu tư khu công nghiệp không đồng ý tiếp nhận các cơ sở ngành nghề có phát sinh ô nhiễm môi trường; đồng thời, chưa có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tự di dời vào khu sản xuất tập trung…

Để giải quyết các khó khăn, nhiều ý kiến kiến nghị TP. Hồ Chí Minh cần quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế để di dời các cơ sở tái chế đang chấp hành tốt các quy định pháp luật đang hoạt động xen cài trong khu dân cư; Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu UBND thành phố thành lập tổ công tác để xúc tiến việc di dời, bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận, huyện vào các khu công nghiệp để hoạt động bảo đảm quy định. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền “xanh hóa” trong sản xuất các ngành nghề, làng nghề, đặc biệt là nghề liên quan hóa chất, dệt nhuộm, thực phẩm; sử dụng nguyên vật liệu an toàn, sản xuất an toàn, ý thức an toàn…

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/chu-dong-giai-phap-giam-thieu-o-nhiem-i300566/