Chủ động giữ an toàn trường học trong mưa bão
Những trường học ở vùng thấp trũng, sạt lở… đều đặt tiêu chí an toàn tính mạng cho HS và GV khi tổ chức các hoạt động dạy học. Hiệu trưởng được trao quyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương quyết định thời gian nghỉ học của HS tùy theo diễn biến của thời tiết.
Vừa dạy học vừa trông thời tiết
Chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 5, dải đất miền Trung lại gánh tiếp cơn bão số 6 và áp thấp nhiệt đới. Mưa lũ kéo dài đã khiến 12 điểm trường của huyện Tây Giang (Quảng Nam) bị sạt lở. Các điểm trường sạt lở gồm: điểm trường Abanh, xã Tr’hy; điểm trường Tà’ri, xã Lăng; điểm trường Cha’lăng, H’juh, Cha’nốc, xã Ch’Ơm; điểm trường Ariing, Agríh, Arầng II, xã Axan; điểm trường Z’rượt, xã Anông; điểm trường Aréc, xã Avương; điểm chính Trường Mầm non Avương, Trường Mẫu giáo xã Dang; điểm trường mẫu giáo thôn Ating, xã Ga Ry; điểm trường Đang, Atép, Tà Làng, B
Riêng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan) nước lũ tràn vào khu nhà kho bán trú học sinh. 141 học sinh bán trú trong tổng số 300 HS của trường phải chuyển qua ở Đồn biên phòng A Xan ở tạm những ngày đầu. Nhà trường sau đó đã đưa số HS này về điểm trường chính, sắp xếp lại phòng học, phòng ở để bố trí cho HS ở. Để đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho HS, nhà trường đã phải khẩn trương làm tạm khu nhà ăn và hệ thống nhà vệ sinh.
Trường THPT Võ Chí Công (Huyện Tây Giang – Quảng Nam) cũng đã chuyển toàn bộ 277 HS về học nhờ tại trường THPT Tây Giang, cách đó 40 km. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến cho đất từ taluuy dương của trường sạt lở xuống khu KTX của HS. Quả đồi phía sau nhà trường đã xuất hiện nhiều vết nứt và có thể sạt lở bất cứ lúc nào. HS của trường THPT Võ Chí Công được bố trí ở nội trú tại trụ sở cũ của Ban Tuyên giáo huyện Tây Giang.
UBND huyện đã giao cho các đơn vị liên quan khẩn trương thi công nhà lắp ghép để có bếp ăn tập thể cho HS. Các vật dụng của HS nội trú như giường chiều, chăn mềm, đồ dùng cá nhân đã được Huyện đoàn Tây Giang cùng với đoàn thanh niên Ban chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng A Nông tiến hành di chuyển đến nơi ở mới vào ngày 13/10. Sau khi các điểm sạt lở của tuyến đường từ trường THPT Võ Chí Công xuống trung tâm huyện được thông tuyến, HS sẽ di chuyển về để học tập.
Đảm bảo phương châm 4 tại chỗ
Chiều 15/10, các thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tr`Hy cùng lực lượng dân quân xã đã hoàn thành xong chiếc cầu tạm dài 80m bàng gỗ, tre, nứa bắc qua con suối nối 2 thôn Abanh 1 và Abanh 2. Những cơn bão nối tiếp nhau cùng với mưa lớn trong nhiều ngày đã cuốn trôi chiếc cầu treo nối giữa 2 thôn Abanh 1 và Abanh 2 của xã Tr`Hy khiến HS thôn Abanh 2 phải nghỉ học.
Sở, Phòng GD&ĐT cùng với UBND các quận, huyện, thị xã các tỉnh miền Trung đã trao quyền chủ động cho Hiệu trưởng các trường học trong quyết định thời gian nghỉ học của HS. Như đợt nghỉ học do ảnh hưởng bởi cơn bão số 6 vừa qua ở Đà Nẵng, trong khi HS toàn thành phố đi học trở lại từ ngày 13/10 nhưng riêng HS huyện Hòa Vang đến ngày 15/10 mới trở lại trường học. HS các trường học ở xã Đại Lãnh và trường mầm non, tiểu học của xã Đại Hưng - Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đến nay vẫn chưa thể đến trường học trở lại.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Trong phòng chống bão lụt, các trường học ở Đà Nẵng quán triệt phương châm 4 tại chỗ. Các đơn vị, trường học cần chủ động xây dựng phương án bảo vệ con người và tài sản của đơn vị, trường học”.
Trước mỗi năm học mới, các trường học đều triển khai rà soát, tu bổ cơ sở vật chất trường lớp. Thời điểm này cũng gần sát với mùa mưa bão ở miền Trung nên các trường học đều tổ chức cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên, những cây có nguy cơ gãy cành, ngã đổ. Hệ thống điện, các thiết bị điện, cáp viễn thông đảm bảo độ cao an toàn, không gây nguy hiểm khi đi lại trước khi HS tựu trường.
Nằm ở vùng thấp trũng, điểm trường thôn Trường Định của Trường Tiểu học Hòa Liên (Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị ngập nước 2 lần chỉ trong mấy ngày Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 6. Thế nhưng, các thiết bị đồ dùng dạy học, ti vi, hồ sơ sổ sách của GV vẫn không bị hư hỏng.
Thầy giáo Trần Minh Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy cô giáo ở điểm trường thôn Trường Định đã chủ động di chuyển đồ dùng, thiết bị dạy học lên các phòng học ở tầng trên. Bàn ghế HS của 3 phòng học ở tầng trệt được kê chồng cao lên ở bục giảng nên cũng chỉ bị ngâm trong nước khoảng chưa đến hai tiếng đồng hồ. Khi nước rút, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh, nhà trường đã tiến hành xúc bùn non, lau rửa bàn ghế”.
Ông Phùng Hoàng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) chia sẻ kinh nghiệm: “Trong trường hợp phải cho HS nghỉ học giữa buổi hoặc cuối buổi học đối với HS bán trú thì nhà trường phải giữ HS ở lại trường cho đến khi có phụ huynh đến đón. Đối với các trường học trên địa bàn những nơi ngập úng, thấp trũng, những nơi có công trình, cầu cống không an toàn… có thể gây nguy hiểm cho giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi thì thủ trưởng đơn vị chủ động liên lạc với phụ huynh để đưa đón học sinh đi, về an toàn. Các trường học phải có bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm, trơn trượt, khu vực ngập nước."