Chủ động gỡ vướng chính sách, kịp thời báo cáo cảnh báo
Ngày 05/01, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, chương trình công tác năm 2021 và Hội nghị cán bộ công chức. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hoàn thành 100% đề án trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ
Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp đã hoàn thành theo tiến độ 100% các đề án trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Cục đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 02 Nghị quyết, 01 Quyết định; Trình Bộ Tài chính ban hành 03 Thông tư.
Các công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, về kết quả đánh giá, xếp loại DNNN... đã được Cục thực hiện một cách thường xuyên, đầy đủ, kịp thời, cơ bản đảm bảo chính xác, đáp ứng được quy định và yêu cầu.
Trên cơ sở các báo cáo, tổng hợp, Cục đưa ra những nhận xét, đánh giá, kiến nghị để Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, góp phần đưa ra các quyết sách để phát triển kinh tế, xã hội, giúp Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định...
Về công tác kiểm tra, giám sát, xếp loại doanh nghiệp, Cục đã trình Bộ ban hành Quyết định số 281/QĐ-BTC công bố Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019; Quyết định số 404/QĐ-BTC phê duyệt kế hoạch giám sát tài chính năm 2020 đối với các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.
Đồng thời, Cục cũng đã thành lập 03 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước năm 2019 vào doanh nghiệp thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bộ Quốc phòng, 01 Đoàn công tác giám sát việc bổ sung vốn điều lệ năm 2019 tại doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT.
Trong năm 2020, Cục đã tham gia ý kiến trên 30 báo cáo giám sát tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và sản xuất kinh doanh, kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước; xếp loại doanh nghiệp năm 2019 đối với các TĐKT, TCT, DNNN thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài được Cục chú trọng thực hiện. Cụ thể, Cục tham gia ý kiến với hơn 30 dự án gồm các dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và dự án đầu tư ra nước ngoài. Tham gia ý kiến với các đơn vị trong và ngoài Bộ về xây dựng các đề án, chính sách: TGYK để ban hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020; TGYK về Đề án "Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới”; dự thảo Nghị định quy định đầu tư ra nước ngoài...
Đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Cục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ giống gốc vật nuôi; quản lý, khai thác gỗ, hỗ trợ rừng tự nhiên, hỗ trợ cho các tổ chức đơn vị sử dụng người lao động là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Trong năm 2020 ngoài các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đăng ký từ đầu năm và các công việc thường xuyên, Cục TCDN phải xử lý nhiều các vụ việc đột xuất, ngoài kế hoạch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, có những nhiệm vụ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục TCDN như: xử lý về thuế trong bao tiêu Nghi Sơn, xử lý liên quan đến đầu tư dự án Lương Yên, Vinafood I; thành lập Hội đồng thẩm định giá, xác định thiệt hại của các dự án: Sabeco, Xơ sợi, Pvtex...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, năm 2020, bước tiến lớn nhất của Cục Tài chính doanh nghiệp là công tác xây dựng cơ chế, chính sách. Cục đã hoàn thiện các chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Đặ biệt, việc ban hành Nghị định 150/2020/NĐ-CP về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị triển khai thực hiện năm 2021.
Trong công tác giám sát tài chính doanh nghiệp, cùng với việc cử các đoàn đi giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động của DNNN, Cục cũng đã nỗ lực xử lý các vấn đề đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Có thể khẳng định, chất lượng công việc của Cục năm 2020 đã có cải thiện rõ rệt, lãnh đạo Cục, lãnh đạo phòng đã theo sát, thực hiện quyết liệt chương trình công tác, đảm bảo tiến độ đề ra. Năm 2021, Cục cần tiếp tục có sự phân công theo dõi, đôn đốc để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nhận định, toàn bộ cán bộ công chức người lao động của Cục sẽ nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu năm với quyết tâm cao nhất.
Căn cứ vào những kết quả đạt được, năm 2021 Cục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: rà soát, tổng kết và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội năm 2021 - 2022.
Cũng trong năm 2021, Cục sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình Chính phủ đối với Cơ chế xử lý tài chính cho PVN khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án NSRP, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về Cơ chế tài chính này.
Đồng thời, Cục xây dựng 03 Đề án trình Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ và tham mưu trình Bộ 08 Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.
Về công tác kiểm tra, giám sát, xếp loại doanh nghiệp, để không xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Cục tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát.
Ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong quá trình xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả, Cục tham gia ý kiến với các Bộ, ngành về việc xếp loại các TĐKT,TCT. Cục cũng sẽ xây dựng báo cáo cảnh báo, phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh; xử lý tài chính tại các DNNN đặc biệt là các DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính, kinh doanh thua lỗ, mất vốn.
Trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, Cục tiếp tục tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa các TĐKT, TCT. Xử lý những vướng mắc, khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Định kỳ báo cáo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả DNNN.
Tiếp tục hướng dẫn các cơ chế, chính sách phát sinh trong quá trình thực hiện tái cơ cấu SBIC, Vinalines, các dự án kém hiệu quả của ngành công thương; xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.