Chủ động, không lệ thuộc SGK khi triển khai Chương trình, SGK lớp 1

Với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, vai trò chủ động của nhà trường, giáo viên là rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từng cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) phải có nhận thức đầy đủ, nỗ lực tự thay đổi để vững vàng cả về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thực hiện đổi mới.

Trong giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh minh họa: Hồ Lài

Trong giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh minh họa: Hồ Lài

Đánh giá người trong cuộc

Tuần thứ 6 triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, theo ông Bùi Đức Thụy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy (Thái Bình), công việc chuẩn bị chương trình mới được thực hiện bài bản, nghiêm túc; từ tăng cường truyền thông, đến xây dựng kế hoạch sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; sắp xếp mạng lưới trường lớp; hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Trước khi triển khai chương trình mới, Thái Thụy đã hoàn thành tập huấn mô-đun 1 cho GV dạy lớp 1, bảo đảm mọi GV dạy lớp 1 đều được tập huấn SGK. Phòng tổ chức 2 chuyên đề cấp huyện (môn Tiếng Việt, Toán); cụm trường tổ chức ít nhất 1 chuyên đề/1 cụm, các trường đã tổ chức dự giờ lớp 1 thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm.

“Chúng tôi ưu tiên cho lớp 1 các phòng học có cơ sở vật chất tốt nhất, thiết bị hiện đại như màn hình lớn, máy chiếu… để khai thác học liệu điện tử (sách mềm) trong giảng dạy. Các trường có đủ 1,5 GV/lớp dạy tối thiểu 9 buổi/tuần; thời gian còn lại tổ chức hoạt động cho HS sau giờ học chính thức trong ngày theo nhu cầu” – ông Bùi Đức Thụy thông tin.

Liên quan đến dạy học môn Tiếng Việt, ông Bùi Đức Thụy cho biết đã tham khảo ý kiến nhiều CBQL, GV dạy lớp 1 trên địa bàn. Các ý kiến cho rằng, SGK, sách giáo viên đều có học liệu điện tử đi kèm. Học liệu điện tử có thể thay thế tranh ảnh giấy, thuận lợi cho GV sử dụng để soạn giảng. Môn Tiếng Việt, mỗi tuần chương trình mới tăng thêm 2 tiết Tiếng Việt so với chương trình cũ. Phần dạy âm, vần được kéo dài nên trong 1 tiết dạy, HS được rèn đọc nhiều hơn, tiết học nhẹ nhàng hơn. Tập viết được tách thành một tiết riêng biệt thuận tiện cho HS trong một giờ học Tiếng Việt không phải lấy nhiều loại sách vở, ảnh hưởng đến nền nếp, thời gian học…

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), Chương trình GDPT mới với lớp 1 đang được thực hiện đúng quy định, bảo đảm tiến độ, kế hoạch đã đề ra. Nói về dạy học môn Tiếng Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Thủy cho rằng: Nội dung chương trình không quá khó mà có tính toàn diện và theo đúng định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Chương trình học yêu cầu GV phải đổi mới phương pháp dạy, hướng HS việc nhận biết và tăng tính tương tác với nhau thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm.

“Dù lượng kiến thức vẫn như chương trình trước đây, nhưng tổng thời gian cho môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình mới nhiều hơn (tăng thêm 70 tiết). Chương trình mới không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, tuần cho mỗi môn học như chương trình cũ mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. Việc sắp xếp nội dung dạy, thời lượng (số tiết) dạy học cụ thể từng môn, Bộ GD&ĐT đã trao quyền cho các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục cho cả năm học” – ông Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm.

Phát huy vai trò chủ động

Tại Thái Bình, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Thái Bình) cho biết, sở đã có văn bản, yêu cầu, hướng dẫn cụ thể hiệu trưởng, GV các công việc nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 ở tiểu học. Ví dụ, với môn Tiếng Việt lớp 1 giai đoạn đầu năm học, GV có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng. Với kĩ năng đọc đoạn, những HS đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những HS này có thể vừa đánh vần vừa đọc. Kĩ năng viết, với HS viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kĩ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng “chặng” học tập tiếp sau.

“GV cần ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng dù nhỏ của từng HS. Có biện pháp động viên, khen ngợi kịp thời để khuyến khích HS hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tuyệt đối không chê bai hay phê bình HS. Làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, không giao bài tập về nhà với HS học 2 buổi/ngày ở trường. Cần phân biệt rõ việc hướng dẫn HS tự học khác với yêu cầu HS làm bài tập ở nhà. Không nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những HS học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lí cho phụ huynh, HS” - ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Thủy (Phú Thọ), nhà trường, GV tổ chức dạy học phải dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình và sát đối tượng HS, không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK (chương trình mới là pháp lệnh). Lựa chọn các nội dung có trong SGK để dạy phải sát đối tượng. Không bắt buộc tất cả HS phải hoàn thành các nội dung như trong SGK.

Cùng với đó, tổ chức dạy học linh hoạt: Trong tiết học Tiếng Việt lớp 1, nếu HS nào đã đọc tốt được âm, vần, câu ứng dụng hay bài tập đọc thì lập nhóm tập đọc thầm, đọc nhỏ cho nhau nghe. Chọn HS gặp khó khăn trong việc đọc, viết thành những nhóm để GV hướng dẫn. Cắt bỏ những động tác rườm rà, dành thời gian cho các hoạt động sát, đúng mục tiêu. Không nóng vội dạy đọc, viết các âm, vần cho HS lớp 1. Các trường cần làm tốt công tác tuyên truyền cho cha mẹ HS về Chương trình GDPT mới.

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho rằng: Vai trò chủ động của nhà trường, giáo viên là vô cùng quan trọng. Đổi mới trong GDPT bước đầu có những khó khăn, đòi hỏi mỗi CBQL, GV phải có nhận thức đầy đủ, chịu khó thay đổi mình, đồng thời có kiến thức tốt về chuyên môn, vững về nghiệp vụ sư phạm. Để phát huy tinh thần chủ động, mỗi CBQL, GV không thể ngồi chờ, mà phải chuyển dần ngay từ lúc này. Những việc có thể thay đổi trước phải làm (xây dựng chương trình nhà trường theo hướng tự chủ, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá…). Việc bồi dưỡng cho đội ngũ GV theo các mô-đun quy định mà trường ĐH sư phạm đang hướng dẫn phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, không qua loa chiếu lệ, đi vào thực chất, sát với các công việc dạy và học hàng ngày. Làm tốt việc trên, triển khai Chương trình GDPT mới sẽ mang lại hiệu quả.

Dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học quy định trong chương trình (không phải SGK) và kết quả phân tích bối cảnh nhà trường (đặc điểm HS, các điều kiện tổ chức dạy học, phương ngữ, thói quen…), các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học. Do đó, không thể nói chương trình nặng, bài học dài. - Ông Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-dong-khong-le-thuoc-sgk-khi-trien-khai-chuong-trinh-sgk-lop-1-BxCtKL5MR.html