Chủ động kiểm soát lạm phát tháng Tết Nguyên đán

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt trong tháng Tết Nguyên đán - tháng lạm phát thường tăng theo quy luật.

 Phần lớn các mặt hàng tiêu dùng trong dịp trước, trong và sau Tết giá không tăng đột biến.

Phần lớn các mặt hàng tiêu dùng trong dịp trước, trong và sau Tết giá không tăng đột biến.

Bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Bộ Tài chính cho biết, nhằm bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả dịp Tết Nguyên đán. Các địa phương sớm chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ với giá cả hợp lý, kết nối cung cầu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả.

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Ngay từ đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá cả thị trường. Đây là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tốc độ phục hồi chậm, biến động địa chính trị gia tăng.

Sở tài chính các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho chủ tịch UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau tết. Đáng chú ý, các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá, làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, đã dự kiến cho tình huống các địa bàn xảy ra dịch bệnh trong dịp lễ, Tết Nguyên đán.

“Các tỉnh đã rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương về cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia” - trong báo cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính nêu rõ.

Đồng hành với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp nhiều năm qua đã tham gia Chương trình bình ổn, chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức hoạt động phục vụ tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận tết và bán sớm sau tết đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường. Nhờ đó, đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ hàng hóa tham gia thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Các địa phương triển khai rất quyết liệt công tác về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Sở tài chính cùng với các sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chấp hành pháp luật về giá như kiểm tra yếu tố hình thành giá, kê khai giá, niêm yết giá.

Giá cả cơ bản ổn định, sức mua giảm

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đô họa: TL

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đô họa: TL

Chính vì vậy, qua thống kê cho thấy, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thị trường giá cả cơ bản ổn định, sức mua giảm, giá tăng nhẹ theo quy luật đối với một số hàng hóa có nhu cầu mua sắm nhiều dịp tết, nhưng không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá, giá cả tăng đột biến.

Ngay từ đầu tháng 1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã họp để đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, chiến lược. Đồng thời, các bộ, ngành triển khai các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường cùng với các chính sách vĩ mô khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau tết.

Trong đó, chỉ thị đặc biệt chú trọng quản lý giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Đồng thời, chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán, kịp thời nắm bắt tình hình thị trường và có các biện pháp phù hợp nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, công tác quản lý, điều hành giá thời gian qua được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả, từ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai quyết liệt. Công tác bình ổn giá cả thị trường được triển khai chủ động, các địa phương đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý. Các đơn vị đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt; không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu

Tiếp tục phát huy các thành công những năm qua, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá.

Bộ Tài chính và các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường trong dịp sau tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Đồng thời, cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương...

Đáng lưu ý, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-dong-kiem-soat-lam-phat-thang-tet-nguyen-dan-145447-145447.html