Chủ động lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Từ nay đến ngày 7-4, các địa phương có thể tận dụng thời kỳ triều cường kém để lấy nước tích trữ trong ao, mương và dụng cụ chứa nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Dự báo, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4.

* Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn tại các trạm: Nàng Âm, Quới An, Trà Ôn, Tích Thiện, Ðồng Phú… đo được đã dưới mức 1‰. Dự báo trong vài ngày tới, độ mặn lên nhưng không vượt quá 2‰. Vì vậy, các địa phương hướng dẫn nhân dân chủ động tích trữ nước ngọt tại các nơi độ mặn cho phép để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

* Nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã khoan 33 giếng tạo nguồn, nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn. Các công trình cấp nước tập trung hiện có với chiều dài hơn 720.000 m đã bảo đảm phục vụ nước sinh hoạt cho 21.600 hộ dân. Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng mới ba trạm cấp nước bảo đảm nước cho 4.950 hộ dân.

* Qua kết quả quan trắc chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh Ðồng Nai cho thấy, độ mặn vẫn ổn định trong ngưỡng cho phép. Cụ thể, từ cầu Hóa An đến cầu Ðồng Nai, độ mặn dao động từ 0,03 đến 0,04‰. Ðoạn từ xã Tam An, huyện Long Thành đến hợp lưu suối Nước Trong, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, dao động từ 0,23 đến 3,58‰. Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ diễn ra khốc liệt hơn cho nên nguy cơ xảy ra hạn, mặn thời gian tới còn diễn biến phức tạp.

* Qua quan trắc ngày 31-3, tại một số nơi ở Hậu Giang độ mặn tăng cao đột ngột, cao nhất lên đến 16,3‰. Theo đó, độ mặn tại kênh Mười Thước là 16,2‰, cống Hóc Pó 9,2‰, cống Ba Cô 9,8‰, cống kênh Lầu đạt 16,3‰, tại kênh Năm đạt 8,7‰. Ðể ứng phó độ mặn tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng, tỉnh đã đóng tất cả các cống thuộc hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, hệ thống cống Nam Xà No... đồng thời đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến mặn để thông tin đến nhân dân chủ động bảo vệ sản xuất.

* Tại tỉnh Bình Phước, hiện nay có khoảng 337 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, tập trung ở các huyện: Lộc Ninh 40,8 ha, Bình Long 215 ha, Hớn Quản 38,3 ha và Bù Ðăng 83 ha. Thời gian tới nếu không mưa, nguy cơ có thêm khoảng 618 ha cây trồng ngoài khu tưới công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do hạn hán.

* Từ đầu năm đến nay, do hạn hán cục bộ cho nên tỉnh Bình Thuận cắt giảm, không sản xuất 13.986 ha cây lương thực. Ðể bù lại sản lượng lương thực bị thiếu hụt do giảm diện tích, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung sản xuất, tăng năng suất vụ hè thu, vụ mùa năm 2020.

* Tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay có hơn 36.100 ha vườn cây bị ảnh hưởng trực tiếp do hạn, mặn, trong đó hơn 24.700 ha cần gấp rút bảo vệ do rất mẫn cảm với nước mặn.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ hè thu 2020 các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu ha, phấn đấu năng suất 56,6 tạ/ha; sản lượng 8,7 triệu tấn. Theo đó, các địa phương chủ động xuống giống sớm trong tháng 2, tháng 3 nhưng tập trung nhất là vào tháng 4 với diện tích hơn 600 nghìn ha và tháng 5 là gần 500 nghìn ha.

* Vụ lúa hè thu năm 2020, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống 52.000 ha. Hiện nay, nông dân đã xuống giống được hơn 14,7 nghìn ha. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân dân tăng cường sử dụng giống lúa chịu hạn, mặn, điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa, đến nay nông dân trên địa bàn đã thu hoạch hơn 6.000 ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha.

* Hiện nay, nông dân tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch hơn 16.000 ha lúa đông xuân sớm, tập trung ở các huyện Hồng Dân, Phước Long với năng suất ước đạt từ 75 đến 80 tạ/ha.

Hiện còn khoảng 31.000 ha lúa chính vụ đang trổ bông, dự báo sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 4.

* Tại tỉnh Nghệ An, đến nay có hơn 1,8 nghìn ha lúa đông xuân nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó hơn 180 ha nhiễm nặng. Hiện các địa phương đã phòng trừ được hơn 1.171 ha. Tuy nhiên, theo dự báo những ngày tới, đạo ôn lá vẫn tiếp tục phát sinh gây hại trà lúa muộn. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và kịp thời phòng trừ.

* Trung tâm dự báo Khí tượng -Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu, lệch đông cho nên ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Ðêm và sáng trời rét, nhiệt độ thấp nhất từ 17 đến 200 C, vùng núi từ 15 đến 170 C. Tại Hà Nội, hôm nay (1-4), có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Ðêm và sáng trời rét, nhiệt độ thấp nhất từ 18 đến 200 C.

* Tại tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường cho nên khu vực vùng núi cao trời rét nhưng không sâu. Dự báo, không khí lạnh khiến nhiệt độ trong tỉnh thấp nhất giảm xuống từ 20 đến 220C, vùng núi từ 16 đến 180C, riêng Sa Pa rét nhất từ 13 đến 150C.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian qua sạt lở khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Ðể hạn chế tình trạng này, UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án gồm: Khu vực sông Láng Thé với kinh phí 60 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến 2022; nâng cấp hệ thống đê biển, kè biển trên địa bàn các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải với kinh phí 200 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến 2023.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43868802-chu-dong-lay-nuoc-ngot-phuc-vu-san-xuat-va-sinh-hoat.html