Chủ động, linh hoạt mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
Thời gian qua, nhờ được gỡ khó trong cơ chế, một số địa phương và cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động, linh hoạt trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Từ đó, giúp cho việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tại tỉnh Yên Bái, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất lớn. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh, 9 tháng đầu năm 2023, số lần khám bệnh là 116,766 lượt, đạt 86,5% kế hoạch năm, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022, số bệnh nhân điều trị nội trú ở mức cao. Nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân đòi hỏi công tác cung ứng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phải đáp ứng được nhu cầu điều trị.
BS Diêm Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, khó khăn trong đấu thầu thuốc và thiết bị y tế là không tránh khỏi. Nhưng không để thiếu thuốc mới tiến hành làm thầu, đó là quán triệt xuyên suốt đến khoa Dược - đơn vị được giám đốc bệnh viện giao thực hiện làm thầu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế.
Theo DS Lê Trọng Thủy - Trưởng khoa Dược (Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái), năm 2023 khoa đã tham mưu xây dựng gần 30 gói thầu, trong đó có nhiều gói phải thực hiện đến 4 lần mới lựa chọn được nhà thầu. Lỗi không phải từ bệnh viện và các cơ quan quản lý nhà nước mà thực tế có những gói không không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu cung ứng, và có nhiều mặt hàng không có trên thị trường…
Để thực hiện thành công các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, bệnh viện đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Bao gồm, thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn, kiểm soát số lượng vật tư y tế, hóa chất qua công nghệ thông tin. Đồng thời, dự báo sát nhu cầu điều trị, dự đoán vật tư y tế sắp hết. Thuốc hiếm, đắt tiền đều phải có các phương án mua sắm khi cần thiết.
BS Sơn khẳng định, kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua là sự điều phối nhịp nhàng giữa nơi thiếu và nơi đang có thuốc, vật tư y tế của Sở Y tế cũng như ngay mỗi bệnh viện để đạt mục tiêu cao nhất là người bệnh không thiếu thuốc điều trị.
Ở tuyến Trung ương, ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, thời gian qua số bệnh nhân nhi đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám khoảng 5.000- 6.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ đang phải thở máy và 100 trẻ phải thở ô xy, từng giây phút chống chọi với bệnh tật, rất nhiều trẻ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.
Trước đó, trong điều kiện sau đại dịch Covid-19, nguồn cung ứng nhiều mặt hàng thuốc, vật tư y tế của các nhà sản xuất gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Nhi trung ương. Nhưng nhờ được tháo gỡ về cơ chế, kể từ sau khi có Nghị quyết 30, Nghị định 07, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế… bệnh viện đã nhanh chóng triển khai, thực hiện đấu thầu, mua sắm theo các hướng dẫn đã được quy định. Cụ thể, như việc thành lập hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng trung tâm; kiên trì, linh hoạt trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm.
Ông Hải thông tin, tính đến thời điểm này, Bệnh viện Nhi trung ương đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu đã tiến hành đấu thầu, mua sắm thành công theo quy định hiện hành hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những trường hợp khó. Từ thực tiễn của bệnh viện, để phục vụ cho công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế, Ban lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm phải lập kế hoạch sát với nhu cầu khám, chữa bệnh của đơn vị.
Tương tự, TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, trên thực tế, thời gian qua nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đã được rút ngắn. Cùng đó, Ban Giám đốc giao các nhóm chuyên môn, cụ thể như nhóm dược, nhóm vật tư có khoảng thời gian nhất định để thực hiện các công đoạn của việc đấu thầu, mua sắm.
“Trong thực hiện đấu thầu, mua sắm tại Bệnh viện Việt Đức, cả ban giám đốc, các phòng, ban liên quan đều phải vào cuộc. Việc xây dựng hồ sơ, tiêu chí kỹ thuật là trí tuệ tập thể, là cả Hội đồng Khoa học của bệnh viện quyết định. Trong quá triển khai, nếu khâu nào còn vướng mắc, băn khoăn, chúng tôi đều phải kết nối để nhờ chuyên gia tư vấn, giải đáp thêm” - ông Hùng cho biết.
Về vấn đề bệnh viện có thiếu thuốc, vật tư y tế hay không, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, có thời điểm bệnh viện thiếu cục bộ một số chủng loại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Chúng ta đang áp dụng hình thức mua sắm thông thường cho vật tư, hóa chất có tính chất đặc thù thì kiểu gì cũng có bất cập. Ví dụ có những máy, vật tư cả thế giới chỉ có 1 hãng, cả Việt Nam cũng chỉ có 1 nhà phân phối. Do đó, cần để việc mua sắm trong y tế là đặc thù chứ không thể mua sắm theo hàng hóa thông thường - TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.