Chủ động, linh hoạt thích ứng trong dạy và học

ĐBP - Đến thời điểm này, năm học 2021 - 2022 đã đi được gần nửa chặng đường. Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song cơ bản các trường đã thích ứng an toàn trước dịch bệnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã và đang thể hiện quyết tâm cao, vừa nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học.

Tranh thủ “thời gian vàng”, học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé) đến trường học tập, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Ảnh: Quang Long

Thích ứng theo “mùa” Covid

Từ đầu tháng 11 đến nay, huyện Điện Biên là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19; khiến công tác giáo dục gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần chủ động của các trường, việc dạy và học đã được điều chỉnh phù hợp, linh hoạt với điều kiện thực tế. Đặc biệt, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường nhanh chóng thích ứng, kích hoạt các phương án, kịch bản đã xây dựng. Theo đó, các trường chủ động, linh hoạt xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường, triển khai dạy học trực tuyến trên các nền tảng: Google Meet, Google Classroom, Msteam, olm.vn, zoom... Trên tinh thần dạy học thích ứng an toàn, các trường đã linh hoạt lựa chọn những nội dung cốt lõi để hướng dẫn, đảm bảo nội dung chương trình phù hợp năng lực, nhận thức của học sinh. Ngoài nội dung học trực tuyến, các trường còn phổ biến kho học liệu số của Bộ GD&ĐT tới cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh theo địa chỉ: https://igiaoduc.vn và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện.

Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT, ngay đầu năm học, Phòng đã chủ động triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch Covid-19. Đến cuối tháng 10 (trước khi dịch bùng phát trên địa bàn huyện - PV), cơ bản các trường đã tận dụng thời gian dạy học trực tiếp để dạy cho học sinh những kiến thức trọng tâm, cơ bản, cốt lõi của chương trình các môn học. Đến nay, khi dịch diễn biến phức tạp, các trường đang nỗ lực triển khai đồng bộ các phương án, kịch bản về dạy học theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Không bị ảnh hưởng nhiều như huyện Điện Biên, tuy nhiên, sau khi ghi nhận 2 trường hợp là học sinh của Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong 1 và Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải dương tính SARS-CoV-2, các đơn vị GD&ĐT huyện Mường Nhé cũng đã chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án dạy và học phù hợp điều kiện thực tiễn. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thời gian qua, nhất là từ khi có ca nhiễm Covid-19 là học sinh trên địa bàn, Phòng luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về công tác phòng, chống dịch. Đối với các trường chưa có dịch, Phòng chỉ đạo tăng cường thời gian “vàng” để dạy và học; đồng thời thực hiện nghiêm việc phân luồng, tách riêng học sinh bán trú và học sinh không ở bán trú thành các lớp riêng biệt để tổ chức dạy học nhằm hạn chế sự tiếp xúc. Đối với những trường có dịch, chủ động triển khai phương án dạy và học trực tuyến theo kịch bản đã xây dựng.

Cơ hội chuyển đổi số

Hai năm học gần đây, nhất là năm học 2021 - 2022, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều trường phải chuyển đổi hình thức giảng dạy sang trực tuyến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, việc dạy trực tuyến cũng là một trong những cơ hội để giáo viên làm chủ công nghệ thông tin; đồng thời về lâu dài sẽ giúp ích nhiều trong cuộc sống. Cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Mường Toong (huyện Mường Nhé) cho biết: Vừa qua, sau khi học sinh phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, việc giảng dạy trực tuyến đã được nhà trường triển khai. Qua nắm bắt, các thầy cô giáo đều nhanh chóng tiếp cận với các nền tảng công nghệ và sử dụng thuần thục các phần mềm phục vụ công tác dạy học trực tuyến.

Thống kê của Sở GD&ĐT, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy, học cũng như linh hoạt, thích ứng trong tình hình dịch bệnh, Sở đã tổ chức hơn 400 buổi tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề kỹ năng khai thác, sử dụng internet, thư điện tử, kỹ năng thiết kế trình chiếu, bài giảng điện tử, kĩ năng sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, hỗ trợ dạy học trực tuyến; kỹ năng xử lý sự cố máy tính, phòng, chống nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cho gần 14.000 cán bộ, giáo viên toàn ngành.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Những năm gần đây, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò tại các trường. Mặc dù hình thức học tập này có những khó khăn, hạn chế nhất định, song không thể phủ nhận những tiện ích mà nó mang lại, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Đặc biệt, về lộ trình lâu dài, điều này cũng góp phần tạo ra động lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó giúp ngành GD&ĐT hoàn thành đa nhiệm vụ: “Vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học”.

Văn Quyết

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/192689/chu-dong-linh-hoat-thich-ung-trong-day-va-hoc