Chủ động nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Nhìn nhận khó khăn
Theo UBND tỉnh, tính đến ngày 31-5, Bình Dương đã bổ sung thêm được 27.678 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, gồm 2.564 DN đăng ký mới (tổng vốn điều lệ 15.442 tỷ đồng) và 713 DN điều chỉnh tăng 15.064 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31-5-2023, toàn tỉnh có 62.075 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 658.267 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), có 19 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 776,5 tỷ đồng; 80 DN đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm 6.976 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31-5- 2023, tỉnh đã thực hiện thủ tục cấp đổi nội dung đăng ký kinh doanh trên giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 3.030 DN FDI với số vốn đăng ký 326.259 tỷ đồng. Con số phát triển này đem đến những triển vọng về sự hồi phục và phát triển. Tuy nhiên, DN vẫn cần sự hỗ trợ của các ngành, tạo ra “cú hích” làm tiền đề cho sự phục hồi mạnh trong 6 tháng cuối năm và thời gian kế tiếp.
Các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, rất cần được hỗ trợ
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện DN gặp nhiều vướng mắc chung trong quá trình hoạt động SXKD. Theo đó, tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn do xung đột chính trị kéo dài, lạm phát gia tăng làm thị trường bị thu hẹp, khan hiếm đơn hàng khiến không ít DN dệt may, da giày, gỗ… đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay, việc vay tín chấp dựa trên phương án, dự án kinh doanh, trong khi DN chưa có phương án tốt do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Nhiều DN gặp vướng mắc khi thực hiện các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy như diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy. Riêng lĩnh vực xăng dầu hiện có 44 cửa hàng không đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Ông Toàn cho biết hiện Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ tham mưu tổ chức đối thoại với DN, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối thị trường… Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Sở Xây dựng, Công an tỉnh thống nhất việc hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy, tổng hợp vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định.
Chủ động hỗ trợ
Khẳng định việc tỉnh luôn đồng hành cùng DN trong khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã chỉ đạo cụ thể tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án như của Công ty Rita Võ, gia hạn thời gian thực hiện một số dự án thuộc Khu công nghiệp (KCN) Đồng An 2, đầu tư trường học tại KCN Việt Hương, một số dự án bất động sản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD của DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho biết UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, DN, khôi phục hoạt động SXKD của tỉnh (Tổ công tác 2266); ban hành quy chế phối hợp hoạt động, phân công thành các nhóm phụ trách địa bàn các huyện, thị, thành phố và theo các khu, cụm công nghiệp nhằm chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các cá nhân, tổ chức, DN. Cụ thể, Ban Quản lý các KCN tỉnh phụ trách đối với DN trong KCN, Sở Công thương phụ trách đối với các DN trong cụm công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách đối với DN ngoài khu, cụm công nghiệp.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng để đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với người dân, DN, giải pháp căn cơ là các sở, ban, ngành cùng chung tay thực hiện cải cách hành chính, chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh về tinh gọn, đơn giản hóa các biểu mẫu đăng ký, thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, đặc biệt tinh gọn quy trình điện tử, rút ngắn thời gian về giải quyết; từng bước xây dựng lộ trình góp ý, hoàn thiện pháp lý công tác lưu trữ điện tử đối với các kết quả giải quyết, thành phần hồ sơ điện tử, mở rộng phạm vi pháp lý áp dụng chữ ký số trong Luật Giao dịch điện tử; quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ công tác lưu trữ hồ sơ điện tử.